Thể thao

“HLV Mai Đức Chung chỉ là tạm thời, đội tuyển Việt Nam cần thầy ngoại”

Ông Mai Đức Chung sẽ là HLV tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự trận đấu với Campuchia trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup vào ngày 5/9 tới đây, nhưng về lâu dài cựu Phó Chủ tịch chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm cho rằng nên chọn HLV ngoại cho đội tuyển.

Ông Mai Đức Chung sẽ là HLV tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự trận đấu với Campuchia trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup vào ngày 5/9 tới đây, nhưng về lâu dài cựu Phó Chủ tịch chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm cho rằng nên chọn HLV ngoại cho đội tuyển.

Mỗi người sẽ có một quan điểm, HLV ngoại hay HLV nội đều có những ưu điểm riêng. Nhưng theo cá nhân tôi, HLV ngoại sẽ thích hợp với với đội tuyển Việt Nam. Cho đến giờ, HLV ngoại vẫn có nhiều ưu thế hơn, riêng các HLV nội nên để họ tiến từng bước, chưa nên đặt họ vào ghế HLV đội tuyển vào lúc này.

Ưu thế của HLV ngoại ở điểm nào, thưa ông?

Ông Calisto dù là HLV ngoại nhưng rất hiểu cầu thủ Việt Nam khi còn tại vị

Ông Calisto dù là HLV ngoại nhưng rất hiểu cầu thủ Việt Nam khi còn tại vị

Họ có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc chuẩn bị cho các giải đấu lớn. Đồng thời, nếu muốn nâng tầm các đội tuyển lên tầm có khả năng cạnh tranh ở các sân chơi châu lục trở lên, thì HLV ngoại sẽ tốt hơn, dựa vào kinh nghiệm, các mối quan hệ quốc tế của họ.

Ngoài ra, do các HLV ngoại không xuất thân từ bất cứ CLB nào ở trong nước, nên họ tuyển quân sẽ khách quan hơn, hoặc người ngoài nhìn vào sẽ cho rằng họ không thiên vị khi gọi cầu thủ này, cầu thủ khác, nhờ đó sẽ giảm tối đa áp lực cho các HLV nắm đội tuyển.

Trước đây chúng ta nói HLV nội hiểu cầu thủ nội, nhưng thực tế lại cho thấy tất cả các HLV nội nắm đội tuyển quốc gia đều có ít thành công hơn HLV ngoại, đặc biệt chưa HLV nội nào đưa đội tuyển lọt qua vòng bảng SEA Games?

Từ “hiểu” cầu thủ ở đây nên được nhìn dưới lăng kính bóng đá. Và dưới lăng kính đấy thì HLV ngoại hay HLV nội đều có thể đọc ra cầu thủ của mình. Một HLV có kinh nghiệm chỉ cần quan sát là nắm được tâm lý của cầu thủ, thói quen của cầu thủ ấy, cả trên sân lẫn trong sinh hoạt. Thành ra, không nhất thiết phải là HLV nội mới hiểu cầu thủ nội, mà HLV ngoại cũng hiểu được, nếu ông ta sâu sát với đội bóng.

Đặt trường hợp khi đội thất bại, HLV nội hay HLV ngoại là người phải chịu áp lực nhiều hơn?

Dĩ nhiên là HLV nội. HLV ngoại sau khi hết hợp đồng đơn giản là họ về nước của họ, xem như chấm dứt các mối liên hệ với đội tuyển và với bóng đá Việt Nam ngay ở thời điểm ông ta rời đội tuyển.

Ngược lại, HLV nội vẫn phải ở lại và chịu thêm áp lực khác sau những giải đấu thất bại. Mà không riêng họ phải chịu, gia đình, bạn bè, người thân của họ cũng phải chịu thêm áp lực, nên HLV nội sẽ căng thẳng hơn HLV ngoại.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trọng Vũ (Dân Trí)