Thể thao

Giám đốc Nhổn Nguyễn Mạnh Hùng bị tố cáo nhiều sai phạm

Nhiều năm qua, cán bộ của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) đã gửi hàng chục đơn thư khiếu nại đến các cơ quan trung ương, Bộ VH-TT&DL, báo chí... để tố cáo hàng loạt sai phạm của giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhiều năm qua, cán bộ của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) đã gửi hàng chục đơn thư khiếu nại đến các cơ quan trung ương, Bộ VH-TT&DL, báo chí... để tố cáo hàng loạt sai phạm của giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (cầm đàn guitar) hát trong lễ xuất quân đoàn TTVN dự SEA Games 28 tại Nhổn. Đây là một trong những buổi lễ mà VĐV, HLV phải góp tiền để tổ chức theo hình thức ép buộc nhưng trên danh nghĩa "tự nguyện". Ảnh: NAM KHÁNH

Theo đơn tố cáo, sau khi lên chức giám đốc trung tâm, năm 2012 ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho sửa chữa, cải tạo lại phòng làm việc, mua sắm, sử dụng một loạt thiết bị, vật dụng xa xỉ, vượt quá tiêu chuẩn Nhà nước quy định. Cụ thể: tủ sách 27 triệu đồng, tủ hai buồng 20 triệu đồng, giường đơn 20 triệu đồng... Tổng giá trị theo kiểm tra hơn 215 triệu đồng, vượt quá so với quy định. Theo giải trình của ông Hùng, một số đó là đồ trang bị cho các chuyên gia, phòng truyền thống, huấn luyện của trung tâm nhưng do số lượng chuyên gia các năm qua ở trung tâm ít nên phòng nhà ở đã... chuyển qua phòng khách của ông Hùng.

Làm sai nguyên tắc 
tài chính

Trong các năm 2012, 2013 và 2015, ông Nguyễn Mạnh Hùng bị tố cáo đã làm sai nguyên tắc tài chính khi tự ý cho các đội tuyển tập huấn tại trung tâm chấm công tập luyện thêm các ngày chủ nhật, sau đó thu tiền khống vào sổ sách chứng từ để chi tiêu vào mục đích cá nhân, làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Dẫn chứng được nêu ra là tháng 12-2012 chấm thêm 4 công ngày chủ nhật cho gần 1.000 VĐV để lấy tiền tổ chức liên hoan tại nhà hàng sen Tây Hồ. Tháng 12-2013, chấm thêm 3 ngày công chủ nhật để tổ chức lễ xuất quân cho đoàn thể thao VN dự SEA Games... Về việc này, theo kết luận ngày 2-2-2016 của Tổng cục TDTT, việc chấm công tập luyện và thanh toán tiền công tập luyện ngày chủ nhật (ngày nghỉ) tại trung tâm chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Đề xuất và xét duyệt cho các đội tuyển tập luyện vào ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ tràn lan, không chặt chẽ. Việc tập luyện vào ngày nghỉ của một số đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia tại các thời điểm không có mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ rõ ràng là không hợp lý.

Ngoài ra, các khoản thu từ việc các đội tuyển tự nguyện đóng tiền để tổ chức những sự kiện như nêu trên và cả liên hoan cuối năm, giao lưu, hoạt động giải trí... không được thể hiện trên sổ sách kế toán. Việc thu tiền của HLV, VĐV cũng không phù hợp do thu nhập của HLV, VĐV chưa cao, không nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao.

Theo đơn tố cáo, năm 2013 ông Hùng đã tổ chức hai đoàn đi Côn Đảo gây lãng phí (ông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia cả hai chuyến đi). Tổng chi phí hai chuyến đi này là hơn 110 triệu đồng. Theo kết luận ngày 27-4-2015 của Tổng cục TDTT về các nội dung tố cáo ông Hùng, các hoạt động này không nằm trong kế hoạch công tác năm 2012, 2013 của trung tâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tính chất hoạt động cũng không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trung tâm.

Sau khi đơn thư tố cáo đã được cán bộ, nhân viên trung tâm gửi đến các cơ quan trung ương, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, các cơ quan truyền thông, ngày 10-7-2014 chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Đến ngày 7-11-2014, Tổng cục TDTT đã ra quyết định thành lập Tổ công tác xác minh các đơn tố cáo đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Từ đây, một loạt vi phạm như nêu trên đã được “khui” ra.

Nhiều dự án sai phạm

Theo kết luận thanh tra ngày 7-11-2014 do đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL xác minh, nhiều dự án tại trung tâm đã có vi phạm. Trong số này bao gồm những việc như chọn nhà thầu không đủ điều kiện, năng lực theo hồ sơ mời thầu; thiết bị không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn cho lắp đặt (tổng giá trị hơn 700 triệu đồng); mua thiết bị không đúng với thiết kế và hồ sơ; nhập khẩu thiết bị không có nhãn hiệu, tem nhãn hoặc logo trên sản phẩm, mua không đúng chủng loại, xuất xứ theo hợp đồng... Một số gói thầu phát sinh khối lượng, hồ sơ chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như việc cải tạo nhà tập luyện và thi đấu bóng chuyền phát sinh hơn 1,1 tỉ đồng, cải tạo xử lý nước sinh hoạt, hệ thống dây chuyền nước uống tinh khiết cho VĐV và máy vật lý trị liệu phát sinh tăng hơn 336 triệu đồng...

Kết quả thanh tra có từ lâu nhưng đến tháng 2-2016 trung tâm vẫn không giải quyết dứt điểm theo yêu cầu của thanh tra Bộ VH-TT&DL. Cá nhân ông Nguyễn Mạnh Hùng chưa thực hiện yêu cầu của Tổng cục TDTT về việc kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân. Thật ngạc nhiên khi các sai phạm ở trung tâm xảy ra tràn lan qua nhiều năm, đã có kết luận thanh tra rõ ràng nhưng tháng 10-2015 ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn được bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tại thời điểm đó là ông Hoàng Tuấn Anh ký quyết định bổ nhiệm lại làm giám đốc trung tâm, chỉ khoảng hơn nửa năm trước khi ông Hoàng Tuấn Anh nghỉ hưu.

Khai man thành tích để được khen thưởng

Trong số hàng chục nội dung được các cán bộ Trung tâm Nhổn tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng, có việc ông khai man thành tích. Theo nội dung tố cáo, năm 2009 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung tâm Nhổn đã đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Theo tố cáo, ông Hùng đã cố tình gian dối. Cụ thể, theo quy định, Huân chương Lao động hạng ba được trao tặng cho cá nhân có 7 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, hai lần được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng trong báo cáo, ông Hùng chỉ kê khai đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2003, 2004, 2007 và 2008, không kê khai các năm 2005, 2006. Ông Hùng khai được nhận “Giấy khen Ủy ban TDTT và được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2002-2003”. Dù vậy, trong quá trình xác minh đơn thư tố cáo cho thấy năm 2007 ông Hùng được phân loại là đảng viên vi phạm tư cách. Sau khi đối chiếu với nội dung quyết định của Ủy ban TDTT, năm 2002 ông Hùng không đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Giấy khen theo quyết định của Ủy ban TDTT thực tế là của Đảng ủy Ủy ban TDTT cấp, không phải của Ủy ban TDTT.

Ngày 22-7 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có công văn yêu cầu Tổng cục TDTT có văn bản báo cáo về hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba của ông Nguyễn Mạnh Hùng năm 2009 và việc Hội đồng thi đua - khen thưởng Tổng cục TDTT xem xét, đề nghị khen thưởng cho ông Nguyễn Mạnh Hùng. Văn bản gửi về Bộ VH-TT&DL trước ngày 4-8-2016. Trước đó, vào ngày 13-7, Ban Thi đua - khen thưởng trung ương đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL để yêu cầu xem xét việc này.

Thuê vệ sĩ không đúng quy định

Dù là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, không thuộc đối tượng được thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên nhưng theo các nội dung tố cáo, từ năm 2012 ông Hùng đã tự ý ký hợp đồng thuê vệ sĩ làm bảo vệ tại trung tâm. Số lượng vệ sĩ theo hợp đồng là 18 người, tiền dịch vụ hằng tháng trung tâm phải trả trên 75 triệu đồng.

Kết luận nội dung tố cáo của Tổng cục TDTT về vấn đề này khẳng định nhân sự tổ bảo vệ không cố định như hợp đồng, lịch trực và bảng chấm công không trùng khớp. Việc ký hợp đồng của trung tâm không đúng quy định theo khoản 2, điều 7 nghị định 06/2013/NĐ-CP ngày 9-11-2013 của Chính phủ. Bảo vệ trung tâm trong khi đó được chuyển về các phòng chuyên môn nhưng vẫn giữ ngạch lương bảo vệ.

Theo Hồng Đậu (Tuổi Trẻ)