Thể thao

Doanh thu bóng đá: Premier League “cõng” cả châu Âu

Premier League đang cho thấy tầm ảnh hưởng, vai trò tối quan trọng khi đang “cõng” cả nền bóng đá châu Âu và giúp nó tiếp đà hồi sinh trên khía cạnh kinh tế.

Premier League đang cho thấy tầm ảnh hưởng, vai trò tối quan trọng khi đang “cõng” cả nền bóng đá châu Âu và giúp nó tiếp đà hồi sinh trên khía cạnh kinh tế.

Báo cáo tài chính bóng đá châu Âu trong năm 2015 mà UEFA vừa đưa ra đã cho thấy tín hiệu đáng mừng. Theo đó, cán cân thâm hụt ngân sách (thu-chi) của các CLB tại cựu Lục địa trong năm ngoái là -323 triệu euro.

Tất nhiên, như thế có nghĩa là kinh tế bóng đá châu Âu cấp CLB vẫn đang trong trạng thái “đèn đỏ”. Nhưng điều tích cực là mức thâm hụt tiếp tục có xu hướng giảm dần theo từng năm.

Thật vậy! Chỉ tính riêng trong 7 năm qua, nếu năm 2011 con số thâm hụt của các CLB châu Âu lên đỉnh điểm -1,67 tỷ euro, thì liên tiếp 4 năm trở lại đây đã ghi nhận các mức giảm liên tiếp và chốt lại mùa trước là -323 triệu euro. Như thế, trong 4 năm tỷ lệ thua lỗ đã giảm tới 80,7%.

Doanh thu bóng đá: Khi Premier League “cõng” cả châu Âu

Tất nhiên, mức thâm hụt giảm tức nó đồng nghĩa với việc doanh thu của hơn 700 CLB tại 54 giải VĐQG thuộc hệ thống của UEFA tiếp tục được cải thiện. Thực tế, doanh thu từ hoạt động thương mại toàn cầu, từ bản quyền truyền hình, từ các nhà tài trợ của nhiều CLB đã ghi nhận những mức kỷ lục. Ví dụ, Man Utd đã ký hợp đồng tài trợ trang phục thi đấu với giá lên tới 750 triệu bảng với Nike.

Trong BXH doanh thu các CLB châu Âu mùa 2014/15 được hãng kiểm toán danh tiếng Deloitte công bố hồi đầu năm nay, Real xếp số 1 với 577 triệu euro, kế đến là Barcelona (560,8) và Man Utd (519,5).

Đây là năm thứ 12 liên tiếp Real dẫn đầu. Nhưng các chuyên gia đều nhận định, kể từ năm tới Man Utd sẽ lấy lại vị trí số 1, nhờ tiền phân chia hậu hĩnh từ gói bản quyền truyền hình Premier League 2016-19 cao kỷ lục.

Nổi bật hơn cả đó là việc Premier League thu về số tiền kỷ lục 8,3 tỷ bảng (tương đương hơn 9,9 tỷ euro) khi bán gói bản quyền truyền hình giải đấu giai đoạn 2016-2019.

Điều này có nghĩa các CLB dự giải Ngoại hạng trong 3 mùa tính từ mùa này sẽ bơi trong tiền thưởng. Và chắc chắn nó sẽ giúp doanh thu nói chung của các CLB châu Âu trong năm 2016 tăng đáng kể.

Doanh thu bóng đá: Khi Premier League “cõng” cả châu Âu

Thực tế, trong năm ngoái con số này đã đạt ngưỡng 16,87 tỷ euro. So với năm 2014, doanh thu của các CLB châu Âu đã tăng 6,3%. Còn nếu so với thời điểm năm 2009, khi mức doanh thu chỉ là 11,718 tỷ euro, mức tăng trong vòng 6 năm lên tới 45%. Rất ấn tượng!

Khi Premier League “cõng” cả châu Âu

Nếu mức thâm hụt ngân sách của các CLB châu Âu tiếp đà giảm bớt có thể xem như tín hiệu mừng thì một thực tế không thể phủ nhận đó là vai trò, tầm ảnh hưởng của các CLB ở Anh ngày càng lớn trong việc chi phối cán cân thâm hụt này.

Năm ngoái, doanh thu của các CLB chuyên nghiệp tại Anh lên tới 4,4 tỷ euro, chiếm hơn 25% tổng doanh thu. Trong đó, doanh thu nói riêng của 20 CLB dự Premier League, tính đến hết mùa 2014/15 tức giữa tháng 6 năm ngoái đã là 3,3 tỷ bảng, tương đương 3,935 tỷ euro.

Còn xét về doanh thu của từng CLB trong năm 2015, có tới 5 đại diện của Premier League gồm 2 đội bóng thành Manchester, Chelsea, Arsenal và Liverpool nằm trong Top 10 CLB đạt doanh thu cao nhất. Trong đó Man Utd với 521 triệu euro thu về chỉ kém chút ít so với Barcelona và Real Madrid.

Doanh thu bóng đá: Khi Premier League “cõng” cả châu Âu

Rõ ràng, ai cũng hiểu các đội bóng ở giải Ngoại hạng mới là những máy in tiền cho bóng đá Anh.

Thực tế, mức doanh thu của các đội bóng Anh năm ngoái cao gần… gấp đôi so với nhóm CLB xếp ngay sau, đó là những đội bóng Đức với con số 2,4 tỷ euro. Trong khi đó, các CLB tại TBN chỉ đạt mức 2 tỷ euro, ở Ý là 1,9 tỷ và tại Pháp là 1,6 tỷ euro.

Hiểu theo cách khác, doanh thu của các CLB Anh trong năm ngoái còn nhiều hơn cả doanh thu của các đội bóng Đức và TBN gộp lại. Như thế, trong năm 2016 này, khi Premier League bắt đầu chia nguồn tiền bản quyền truyền hình khổng lồ, doanh thu của các CLB tại Anh sẽ càng phình to và sự phân hóa sẽ càng rõ rệt so với phần còn lại.

Như thế, thật khó tưởng tượng ngân sách của bóng đá châu Âu cấp CLB sẽ ngập trong khoản thâm hụt lớn nhường nào, nếu các CLB Anh mà tiêu biểu là 20 đội bóng dự Premier League tách riêng ra, đứng như một ốc đảo trù phú mà không gộp vào tài chính ngân sách nói chung của UEFA.

Mà xét cho cùng, khả năng đó không phải không thể xảy ra, nếu nhìn lại sự kiện Brexit hồi tháng 6 vừa qua, khi Liên hiệp vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế, mức lãi ròng năm 2015 của các CLB Anh là +85 triệu euro, còn kém xa so với những đội bóng ở TBN (140 triệu).

Tuy nhiên, trong năm 2016 này, khi các CLB Anh mà cụ thể là ở Premier League được hưởng lợi từ gói BQTH, mức lãi được dự báo sẽ tăng rất cao.

Chẳng nói đâu xa, doanh thu của 20 CLB tại Premier League 2016/17 được dự báo sẽ tăng 20%, lên mức 4,3 tỷ bảng, tương đương 5,127 tỷ euro.

Doanh thu bóng đá: Khi Premier League “cõng” cả châu Âu

Theo Lương Anh (Webthethao.vn)