Thể thao

Đang có một nỗi ám ảnh 11m ở châu Âu

Gần chục quả phạt đền đã bị sút hỏng trên các đấu trường Premier League, Bundesliga, Serie A, Ligue 1 chỉ trong vòng đấu cuối tuần qua.

Gần chục quả phạt đền đã bị sút hỏng trên các đấu trường Premier League, Bundesliga, Serie A, Ligue 1 chỉ trong vòng đấu cuối tuần qua. Và đấy chỉ mới là thống kê đến hết loạt trận đêm thứ Bảy. Điều gì đang xảy với cú sút dễ thành bàn nhất trong môn bóng đá?
 
Đang có một nỗi ám ảnh 11m ở châu Âu
 
Kevin de Bruyne và Sergio Aguero thay nhau lãnh trọng trách sút phạt đền, nhưng họ đều không thể thắng Maarten Stekelenburg, khiến Man City đành chấp nhận chia điểm ngay trên sân nhà với Everton. 
 
Cũng vậy: Andre Hahn và Lars Stindl là những cầu thủ sút bóng khác nhau, nhưng vẫn không có bàn thắng cho M’gladbach trong trận gặp Hamburg ở Bundesliga, từ 2 quả phạt đền. Mario Balotelli (Nice) sút hỏng phạt đền ở Ligue 1. Gianluca Cabrani (Pescara) ở Serie A, Christian Benteke (Crystal Palace) ở Premier League, Pierre-Emerick Aubameyang (Dortmund) ở Bundesliga đều sút hỏng 11m.
 
Tất nhiên, không phải đợt trận nào cũng có tỷ lệ sút hỏng phạt đền cao đến mức kỳ lạ như vậy. Nhưng nhìn tổng quát hơn cho thấy: tỷ lệ sút hỏng 11m rất có thể đang là một xu hướng mới trong bóng đá đỉnh cao, và câu chuyện không nhất thiết cứ phải gói gọn trong những con số thống kê. 
 
Một thời, hễ nhắc tới bóng đá Đức là phải nói đến bản lĩnh, nói đến hiệu suất và độ chuẩn tuyệt vời như những cỗ máy. Cầu thủ Đức sút hỏng 11m trên đấu trường quốc tế ư? Bạn phải lớn tuổi một tí để có ký ức về 2 cú sút hỏng hiếm hoi của Uli Hoeness (EURO 1976) và Uli Stielike (World Cup 1982). Vậy mà chỉ riêng trong trận tứ kết với Italia tại EURO 2016, Đức đã sút hỏng đến 3 quả luân lưu 11m.
 
Aguero thất bại trước Stekelenburg trên chấm 11m
Aguero thất bại trước Stekelenburg trên chấm 11m
 
EURO 2016 là giải đấu lớn gần đây nhất. Chỉ 2 tuần trước khi EURO kết thúc thì một giải đấu lớn khác - Copa America Centenario - cũng kết thúc với ấn tượng sút hỏng 11m. Messi sút hỏng ngay quả luân lưu đầu tiên trong trận chung kết, khiến Argentina đành nhường chức vô địch cho Chile, riêng Messi thất vọng đến nỗi tuyên bố chia tay ĐTQG!
 
Bây giờ, người ta có thể sút hỏng 11m trong mọi hoàn cảnh. Kể cả những chân sút thượng thặng vẫn có thể sút hỏng ngay trong những lúc mà họ đang có phong độ đỉnh cao. Aguero lập hat-trick vào lưới Steaua Bucharest ở vòng loại Champions League, nhưng cũng ngay trong trận ấy, anh lại sút hỏng phạt đền, những 2 lần! 
 
Erik Lamela có thể sút hỏng phạt đền ngay trong khi anh và đồng đội ở Tottenham có một trận thắng để đời, đè bẹp Man City bằng thứ tốc độ hầu như chưa thấy trong môn bóng đá trước đó. Hoặc như Man City và M’gladbach cuối tuần qua: họ sút hỏng đến hai lần trong khi chỉ cần một lần là đã quá đủ cho sự nuối tiếc về chuyện mất toi 2 điểm.
 
Balotelli sút hỏng phạt đền trong màu áo Nice
Balotelli sút hỏng phạt đền trong màu áo Nice
 
Trách nhiệm thuộc về người sút?
 
“Áp lực” là từ thường được dùng đến nhiều nhất mỗi khi người ta lý giải một cú sút hỏng phạt đền. Mặt khác, áp lực khi sút luân lưu 11m thường nặng nề hơn những quả phạt đền trong trận. Huyền thoại quá cố Johan Cruyff từng cho rằng không thể tập sút 11m (nhất là sút luân lưu) vì sân tập chẳng bao giờ có áp lực. 
 
Riết rồi người ta mặc nhiên xem việc sút hỏng quả 11m như một “tai nạn” hơn là vấn đề kỹ thuật. Đấy có thể là một quan niệm sai lầm. Không thể tập ư? Một vài nhân vật quan trọng trong làng bóng Hà Lan bác bỏ quan điểm của Cruyff. Đội tuyển Hà Lan tích cực tập sút 11m trước thềm EURO 2004. Và họ đã có chiến thắng đầu tiên trên chấm 11m luân lưu ở giải đấu ấy.
 
Tập được. Nghiên cứu cũng được. Và do vậy, quả 11m - gồm cả phạt đền lẫn sút luân lưu - trở thành một đề tài khoa học, với rất nhiều kết luận đáng kể đã được phổ biến rộng rãi. Vả lại, nếu như điều mấu chốt khi sút phạt đền là làm sao chiến thắng áp lực, thì quá tốt. Đấy chính là đề tài hấp dẫn cho giới nghiên cứu tâm lý, chứ còn gì nữa. Các vấn đề như thế thật ra chẳng còn gì mới.
 
Quả đá của Aubameyang ở trận hòa Hertha bị thủ môn dễ dàng cản phá
Quả đá của Aubameyang ở trận hòa Hertha bị thủ môn dễ dàng cản phá
 
Tùy quan điểm, nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng ý rằng Aguero và De Bruyne sút phạt đền quá “hiền” ở trận hòa Everton. Điều này đi ngược với một xu thế đã trở nên rõ ràng trong nhiều năm nay ở làng bóng đỉnh cao, là người ta hướng đến độ “độc” trong những pha dứt điểm. Tỷ lệ thành bàn nơi những cú sút đúng hướng khung thành gần đây rất cao - đấy là bởi thật ra tỷ lệ sút đúng hướng khung thành lại không cao như trước. 
 
Sút phạt đền cũng vậy. Giới nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu sút ra ngoài tầm với của thủ môn thì có đến 80% xác suất thành bàn (chỉ có 20% bóng dội khuôn gỗ hoặc ra ngoài). Ngược lại, sút trong tầm với của thủ môn (chính xác 100%) thì chỉ có 50% khả năng thành bàn. Các thủ môn bây giờ, nhìn chung, đã tiến bộ nhiều. Đấy cũng là điều đáng lưu ý.
 
Sút 29, hỏng 9!
 
Gần như cứ 3 quả penalty ở Premier League mùa này thì có 1 quả không thành bàn. Cụ thể: đã có 29 quả phạt đền ở Premier League, tính từ đầu mùa đến hết loạt trận hôm thứ Bảy vừa qua. Kết quả: 20 thành bàn, 9 không thành bàn. Đáng chú ý ở chỗ: trong 5 quả phạt đền gần đây nhất ở Premier League, có đến 4 quả sút hỏng. 
 
EURO 2016 & nỗi buồn penalty
 
VCK EURO 2016 chính là giải đấu tồi tệ nhất trong lịch sử EURO về hiệu quả đá 11m. Chỉ có 8/12 quả phạt đền thành bàn (66,7%). Trên chấm luân lưu, Đức (cường quốc số một trong lĩnh vực này) sút hỏng đến 3 quả trong trận gặp Italia - cao gấp rưỡi tổng số lần sút hỏng của họ trong toàn bộ lịch sử thi đấu quốc tế trước đó. Đây là một xu hướng mới?
 
Trên chấm 11m, Messi, Ronaldo cũng chỉ thành công xấp xỉ 80%
 
Tính đến ngày 15/10/2016, Lionel Messi đã sút thành công 70/90 lần đá 11m cho Barcelona và ĐT Argentina, đạt hiệu suất 77,78%. Thống kê tương tự đối với Cristiano Ronaldo là 91/110 quả 11m trong sự nghiệp, hiệu suất 82,73%. Nói vậy để thấy rằng ngay cả các siêu sao cũng chỉ có thể đạt tỷ lệ sút thành công trên dưới 80%. 
 
Sút hiểm hơn sút… an toàn
 
Lấy chỗ đứng của thủ môn làm tâm và tầm với của thủ môn trong một lần bay người làm bán kính, ta có “tầm khống chế của thủ môn”. Sút được quả bóng ra khỏi tầm khống chế của thủ môn, nhưng vẫn trong phạm vi khung thành, thì quả phạt đền chắc chắn thành bàn. Thống kê cho thấy: 80% những quả phạt đền “ngoài tầm khống chế” thành bàn trong khi chỉ có 50% “trong tầm khống chế” thành bàn.

Theo Kinh Thi (Bongdaplus.vn)