Thể thao

Có lẽ phải sớm mời "vua" ngoại?

Ông trọng tài Nguyễn Trọng Thư - người tạo ra quả phạt đền gây tranh cãi trong trận Thành phố Hồ Chí Minh - Long An, nguồn cơn dẫn đến màn bi hài kịch của các cầu thủ Long An nói dỗi hờn rằng: Cứ với đà này, trọng tài Việt Nam nghỉ hết để trọng tài ngoại về đây cầm còi.

Ông trọng tài Nguyễn Trọng Thư - người tạo ra quả phạt đền gây tranh cãi trong trận Thành phố Hồ Chí Minh - Long An, nguồn cơn dẫn đến màn bi hài kịch của các cầu thủ Long An nói dỗi hờn rằng: Cứ với đà này, trọng tài Việt Nam nghỉ hết để trọng tài ngoại về đây cầm còi.

Thực tế, những ông trọng tài người Nhật Bản, Malaysia... sang V.League cầm còi cũng không tránh khỏi những sai sót này nọ, nhưng vấn đề là khi trọng tài Nhật Bản, Malaysia sai thì các đội bóng hoặc không phản ứng, hoặc chỉ phản ứng một cách chiếu lệ, nhẹ nhàng.

Trọng tài Nguyễn Trọng Thư là trung tâm điểm của dư luận những ngày qua.

Thế mới có chuyện, trước sự phản ứng bằng cách chủ động "ma - nơ - canh" hoá bản thân của toàn đội Long An trên sân Thống Nhất, người ta phải đặt ra câu hỏi: hôm ấy, nếu người cầm còi, thổi phạt 11m không phải là ông Nguyễn Trọng Thư, mà lại là một trọng tài Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia thì sao nhỉ?

Hỏi như thế là đã động chạm tới cái bản chất sâu xa của vấn đề: trọng tài Việt Nam đang khiến phần lớn các đội bóng bất tin. Chính vì bất tin  nên trong các quyết định mang tính 5-5, hoặc trong những tình huống mà ngay cả những nhà chuyên môn cũng đánh giá là "trọng tài chỉ sai chuyên môn", "sai cái sai rất con người" thì các đội bóng cũng không tin như thế. Bao giờ họ cũng bị lợn cợn bởi câu hỏi: “Liệu đằng sau có mùi gì không?”.

Thoạt nhìn thì cái tâm lý nghi ngờ này thật đáng trách, vì nó sẽ khiến chính các cầu thủ, HLV làm khổ mình trước khi vào cuộc, và có thể khiến nhiều trọng tài "chết oan". Nhưng nếu xem và hiểu bản chất V.League những năm qua sẽ thấy, nhiều lúc người ta không nghi ngờ không được.

Bằng chứng là ở những vòng cuối V.League 2011, từng có chuyện ông trọng tài “đè ngửa” CLB Hoà Phát.Hà Nội trên sân Lạch Tray trong một trận đấu được ví như "chung kết ngược", gián tiếp giúp chủ sân Lạch Tray chiến thắng, giành quyền trụ hạng. Sau đó ông trọng tài này bị Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (giờ đã trở thành chủ tịch) đuổi vĩnh viễn khỏi V.League mà không dám hé răng ca thán nửa lời.

Cũng ở mùa giải đó, trước một trận "chung kết ngược" khác của Hoà Phát Hà Nội với Long An, một lãnh đạo Hoà Phát còn được gợi ý trắng trợn: Nếu cho trọng tài 500 triệu đồng thì Hoà Phát chắc chắn cầm phần thắng. Những tưởng khi những câu chuyện này được chính những người trong cuộc cho "nổ", và bị dư luận, truyền thông phê phán dữ dội thì những nghi vấn ngoài chuyên môn về các ông vua sân cỏ sẽ chính thức bị khép lại, thế mà ngay ở mùa giải sau lại có một nghi vấn khác về việc tổ trọng tài Hà Nội nhận cả trăm triệu đồng trên sân Thanh Hoá.

Câu chuyện này về sau chìm xuồng vì người ta không tìm ra bằng chứng, nhưng nói như lãnh đạo các đội bóng, các cầu thủ thì: "Chúng tôi ở trong cuộc, chúng tôi hiểu rõ bản chất nó như thế nào".

Cái mệnh đề "chúng tôi ở trong cuộc" nói với người ta nhiều điều lắm. Bởi có nhiều thời điểm chính những người trong cuộc đã chủ động vung tiền làm hư trọng tài, để rồi sau này, trong những trận đấu và những hoàn cảnh nhất định nào đó, bị trọng tài "ép" ngược thì lập tức lại nghĩ: “Có phải trọng tài đã "ăn" của phía bên kia?”. Và V.League chết ở chỗ đó!

Trong bối cảnh không thể khắc phục vấn đề một sớm một chiều thì rõ ràng cái ý tưởng để các trọng tài nội tạm nghỉ một thời gian, và mời hàng loạt "vua" ngoại về V.League cầm còi không phải là một ý tưởng tồi.

Lợi ích nhóm làm hỏng V.League

Sau hàng loạt những sự cố V.League vừa qua, nhiều người đặt vấn đề: Ông trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi nên chủ động từ chức, nhường lại vị trí của mình cho người khác. Thực tế là ở mùa giải năm ngoái, cũng sau hàng loạt những sự cố không đáng có liên quan đến trọng tài, thường trực VFF với người đứng đầu là Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức cũng từng đưa ra ý tưởng này. Ông Đức nói rất thẳng: "Đã đến lúc anh Mùi phải nghỉ đi".

Nhưng kỳ lạ là khi vấn đề được đưa ra ban chấp hành thì các thành viên của ban chấp hành với phần lớn là các lãnh đạo CLB lại ủng hộ ông Mùi, khiến quyết định của thường trực VFF không được thông qua. Thế nên trong một cuộc chia sẻ mới đây với chúng tôi, bầu Đức mới bảo: "Xét cho cùng, tất cả là một vòng tròn luẩn quẩn, được bảo vệ, che chắn bằng lợi ích nhóm hết rồi". Chỉ khi nào đập tan lợi ích nhóm thì những vấn đề trọng tài nói riêng và những vấn đề V.League nói chung mới được giải quyết một cách triệt để.

Tuấn Thành

 

Ai làm hư trọng tài?

Nhiều đội bóng không ngừng kêu ca về công tác trọng tài, nhưng nói như ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thì: "Chẳng nhẽ VFF cho tiền trọng tài để bảo trọng tài bắt có lợi cho đội này đội kia? Không! Rõ ràng VFF không bao giờ làm như thế! Chính các ông bầu, các lãnh đạo CLB đã cho tiền trọng tài, làm hư trọng tài rồi bây giờ lại quay ra trách trọng tài".

Ông Lê Hùng Dũng không hề nói tuỳ hứng, vì từng có chuyện cựu bầu, cựu Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên có những bằng chứng xác thực về việc "các ông bầu đã cho tiền trọng tài, và nếu điều này tiếp diễn thì chúng tôi nhất định sẽ làm cho ra nhẽ". Tiếc là ông Kiên rơi vào vòng lao lý, VPF giống như rắn mất đầu, nên cái ý tưởng "làm cho ra nhẽ" mà ông Kiên từng quyết tâm đến tận lúc này vẫn chưa thành sự thực.

Ngọc Anh

 
Theo Hiếu Hà (CAND Online)