Thể thao >> Thể thao trong nước

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng

Khi CLB Hà Nội vượt qua Bangkok United, đó không chỉ là chiến thắng trước đội bóng mạnh, đó còn là chiến thắng trước một nền bóng đá từng đứng ở đỉnh cao châu lục cấp CLB.

Đội trưởng Văn Quyết ghi bàn duy nhất trên chấm 11 m ở phút 89, qua đó giúp CLB Hà Nội vượt qua Bangkok United trong trận đấu thuộc vòng sơ loại 2 AFC Champions League.

Giống như bóng đá thế giới bị thống trị bởi Tây Âu và Nam Mỹ, bóng đá châu Á cũng đã rên xiết dưới gọng kìm Đông - Tây Á. Không tính tới Australia, xuyên suốt lịch sử 42 năm của AFC Champions League (tiền thân là Asian Club Championship), chỉ có một nền bóng đá từng phá vỡ thế thống trị ấy.

Nền bóng đá ấy là Thái Lan. Đội bóng ấy là Thai Farmers Bank với hai lần đứng trên đỉnh cao châu Á ở cấp độ CLB vào các năm 1994 và 1995.

5 năm sau ngày ấy, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 1997, Thai Farmers Bank giải thể.

Và đây mới là phần thú vị. 2 năm sau khi Thai Farmer Bank giải thể, CLB Bangkok United giành quyền tham dự hạng đấu cao nhất của Thái Lan. Họ đều có điểm chung là đội bóng mạnh nhất, niềm tự hào của thành phố Bangkok.

Dài dòng thế để thấy khi CLB Hà Nội đánh bại Bangkok United ngay trên đất Thái, họ không chỉ vượt qua một đối thủ mạnh. Họ còn làm nên chiến công ngay tại thánh địa của nền bóng đá từng đứng trên đỉnh cao châu lục ở cấp độ CLB.

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng
Chiến thắng của CLB Hà Nội trước Bangkok United thực sự là bất ngờ lớn. Ảnh: CLB Hà Nội.Thai League và V.League có sự cách biệt lớn

So với V.League, Thai League không ra đời sớm hơn bao nhiêu. Giải vô địch quốc gia Thái Lan chính thức được tổ chức từ năm 1996, sớm hơn thời điểm Việt Nam chuyển sang giai đoạn chuyên nghiệp đúng 4 năm.

Nhưng sau khoảng 2 thập kỷ phát triển, cách biệt giữa hai giải vô địch quốc gia - thước đo quan trọng nhất của một nền bóng đá, càng ngày càng trở nên rõ ràng.

Thai League 2018 có 16 đội tham dự, cuộc cạnh tranh của người Thái cực kỳ khốc liệt khi có tới 3 CLB xuống hạng mỗi mùa. Ở chiều ngược lại, V.League chỉ có 14 đội với 1,5 suất xuống hạng (đấy là lý do HAGL có thể yên tâm dù thi đấu bết bát từ năm này qua năm khác).

Trên bảng xếp hạng các CLB và giải quốc nội, Thái Lan đứng hạng 8 châu Á, ổn định trong nhóm 60 thế giới. Vị trí ấy đảm bảo cho người Thái một suất vào thẳng vòng bảng AFC Champions League và một suất dự vòng play-off. Về phía Việt Nam, 11 năm qua, chỉ Bình Dương hai lần vượt qua được vòng loại giải đấu lớn nhất châu lục.

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng - 1
So với Việt Nam, các CLB Thái Lan có lực lượng mạnh hơn, tài chính dồi dào hơn, nền tảng ổn định hơn và đã bước lên đỉnh cao châu lục từ rất sớm.

Song song với chiến lược tiến ra châu Á của đội tuyển quốc gia, các CLB Thái Lan cũng mạnh dạn bước ra châu lục với năng lực và sự tự tin. Hai năm gần nhất, Buriram United và Muangthong United đều vào tới vòng 16 đội trong những bảng đấu có các đại diện Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù chưa thể tạo nên những cơn địa chấn, sự hiện diện ổn định của bóng đá Thái Lan ở đấu trường số một châu Á là thành tựu đáng nể.

Cũng nhờ Buriram và Muangthong liên tục gây ấn tượng, những ngôi sao của họ có nhiều cơ hội thi đấu và thu hút sự quan tâm từ khắp châu lục. Không hề tình cờ khi những cầu thủ Thái Lan tới Đông Á hồi năm ngoái đều là người của Muangthong: Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda.

Ở Đông Nam Á, cầu thủ Thái Lan được coi như thuộc về một “thế giới khác”. Chỉ có chuyện cầu thủ nước ngoài khao khát tới Thai League chứ chưa bao giờ diễn ra điều ngược lại. Khi bầu Đức chiêu mộ thành công Kiatisuk Senamuang năm 2002, báo giới Đông Nam Á đều đã ngỡ ngàng tự hỏi: HAGL là đội bóng nào?

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng - 2
Hệ thống thi đấu bóng đá Việt Nam và Thái Lan, sử dụng dữ liệu ở mùa giải 2017. Thai League xây nhà từ móng

HLV Alfred Riedl từng có câu nói nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Nếu vậy, bóng đá Thái Lan hẳn đang xây nhà từ móng.

Thời điểm năm 2017, Thai League 1 có 18 đội, nhiều hơn V.League tới 4 đội. Sự khác biệt ấy chưa nói lên nhiều điều vì số lượng đội còn phụ thuộc vào quan điểm của từng Liên đoàn.

Nhưng càng tới những hạng đấu thấp hơn, hình tháp ngược của bóng đá Việt và hình nón của bóng đá Thái càng được thể hiện rõ ràng. Ba hạng đấu phía dưới của Việt Nam chỉ có xấp xỉ 30 đội góp mặt. Con số này gần bằng số đội tham dự Thai League 3 (29 đội). Số đội ở Thai League 2 và Thai League 4 lần lượt là 18 và 61 đội.

Nếu bóng đá Việt Nam coi V.League là điểm tựa, thì người Thái coi hạng 4 mới là sức mạnh. Giống như Premier League, giải hạng tư Thái Lan được tổ chức theo kiểu chia bảng, thành từng vùng địa lý. Các đội dự giải hạng tư Thái Lan có thể là những CLB sinh viên, những đội bóng cấp huyện, các CLB bán chuyên. Họ chơi bóng nghiệp dư nhưng vẫn quy củ, vẫn mạnh mẽ.

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng - 3
Tuyển Việt Nam thăng hoa nhưng V.League vẫn dưới tầm Thai League rất nhiều. Ảnh: Minh Chiến.

Chân đế vững chắc ấy dẫn tới 2 hệ quả. Thứ nhất là bóng đá Thái Lan luôn có một nguồn cung cầu thủ trẻ dồi dào. Thứ hai là có quá nhiều đội bóng trong khi Thai League 1 chỉ chưa tới 20 cái tên dự giải nên tính cạnh tranh luôn rất khốc liệt.

Càng khốc liệt, giải đấu càng hấp dẫn và dễ thu hút tài trợ. Những người yêu bóng đá Việt hẳn thấm thía điều đó hơn ai hết. Khi mùa giải 2017 khép lại, Toyota đã quyết định rút tài trợ khỏi V.League dù số tiền chi mỗi năm không hề quá 40 tỷ đồng (chưa đầy 2 triệu USD).

Cùng thời điểm đó, doanh nghiệp này gia hạn tài trợ Thai League thêm 4 năm. Hợp đồng mới có trị giá 700 triệu bath, tương đương gần 5 triệu USD mỗi mùa.

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", Thai League trở thành điểm đến trong mơ của bóng đá Đông Nam Á. Bất chấp những kỳ tích cùng U23 Việt Nam và tuyển quốc gia ở sân chơi châu lục, Đặng Văn Lâm hay Lương Xuân Trường đều phải thừa nhận chuyển tới Thai League là bước tiến lớn trong sự nghiệp của họ.

Càng có nhiều tiền, người Thái càng xây dựng được lực lượng mạnh hơn. Cuối mùa 2017, chân sút số một lịch sử V.League Hoàng Vũ Samson chuyển tới Buriram United thử việc. Chỉ sau vài tháng, anh phải khăn gói về lại Việt Nam. Lý do là không đủ năng lực cạnh tranh với cầu thủ bản địa.

CLB Hà Nội đánh bại đối thủ Thái Lan: Hơn cả một chiến thắng - 4
Sự chênh lệch giữa hai nền bóng đá càng tô điểm cho thắng lợi của CLB Hà Nội trước Bangkok United. Ảnh: CLB Hà Nội.

Nếu phải tìm một so sánh trực tiếp hơn, hãy lấy Mekong Cup - giải đấu cấp CLB được tổ chức cho các nước nằm trong vùng sông Mekong làm ví dụ. 4 lần tổ chức, người Thái vô địch 3 lần. Lần duy nhất danh hiệu ấy thuộc về Việt Nam là khi không có đại diện Thái Lan nào dự giải.

So với V.League, Thai League như một học sinh giỏi lại sinh ra trong gia đình khá giả. Vừa có năng lực, vừa có điều kiện, các CLB Thái Lan đang tiến những bước vững chắc ra châu lục trong khi nhà vô địch V.League vẫn phải chật vật đá từ vòng loại.

Thế mới thấy, chiến thắng của CLB Hà Nội trước Bangkok United ý nghĩa và đáng giá biết chừng nào.

Theo Minh Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)