Thể thao

Chuck Blazer khai chi tiết vụ tham nhũng ở FIFA

Chuck Blazer, cựu quan chức cấp cao người Mỹ của FIFA, đã thừa nhận ông cùng nhiều thành viên khác của FIFA đã nhận tiền lót tay cũng như "lại quả" để đổi lấy phiều bầu, chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998 và 2010.

Chuck Blazer, cựu quan chức cấp cao người Mỹ của FIFA, đã thừa nhận ông cùng nhiều thành viên khác của FIFA đã nhận tiền lót tay cũng như "lại quả" để đổi lấy phiều bầu, chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998 và 2010.

Ông Chuck Blazer (phải) và Sepp Blatter vào năm 2011 - Ảnh: BBC

 
Ông Chuck Blazer, phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ (CONCACAF) trong giai đoạn 1990-2011 và là thành viên trong Ủy ban chuyên trách của FIFA từ năm 1997-2013.
 
Truyền thông Mỹ đã đăng tải nội dung bản nhận tội của ông Blazer. Blazer khai ông ta và một số quan chức FIFA đã nhận hối lộ trong quá trình các nước đấu thầu giành quyền đăng cai Word Cup 1998 và 2010. “Năm 1992, tôi đồng ý cùng những người khác về việc bôi trơn một khoản hối lộ liên quan đến việc lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 1998” - Blazer nói với một thẩm phán ở New York.
 
Pháp là nước tổ chức World Cup 1998. Trước đó, hồ sơ tòa án cho thấy Morocco đã hối lộ một quan chức FIFA khác là Jack Warner, người Trinidad & Tobago, và Blazer đóng vai trò người trung gian. Warner phủ nhận mọi cáo buộc. Blazer cũng khai nhận rằng từ năm 2004 đến 2011 ông ta và các quan chức FIFA khác trong Ủy ban Điều hành đã nhận hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup 2010 cho Nam Phi.
 
Tại cuộc họp báo ở Johannesburg, Bộ trưởng Thể thao Nam Phi Fikile Mbalula xác nhận nước này đã chuyển 10 triệu USD cho Jack Warner. Tuy nhiên ông Mbalula giải thích đây là tiền hỗ trợ phát triển bóng đá ở Caribbean, chứ không phải là tiền hối lộ. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke, người bị cáo buộc đã chuyển khoản tiền này từ tài khoản FIFA, cũng tuyên bố ông không phạm tội và không thấy có lý do gì để từ chức.
 
“Tôi không thấy có gì để trách bản thân và tôi cảm thấy mình không có tội. Tôi không có quyền thông qua việc chi khoản tiền nào, đặc biệt là tới 10 triệu USD từ một tài khoản riêng biệt của FIFA” - ông Valcke thanh minh khi trả lời phỏng vấn đài truyền thanh France Info.
 
Mới đây, Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đã đưa tên hai cựu quan chức FIFA vào danh sách truy nã quốc tế theo đề nghị của chính phủ Mỹ. Đó là Jack Warner, cựu chủ tịch Liên đoàn CONCACAF, và Nicolas Leoz, cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ. Ngoài ra, Interpol còn đưa một số doanh nhân thể thao bị Mỹ truy tố vào danh sách “thông báo đỏ”.
 
Mỹ điều tra World Cup 2018 và 2022
 
Trong một diễn biến khác, nghi vấn Nga và Qatar hối lộ để giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 không nằm trong danh sách các cáo trạng mà Bộ Tư pháp Mỹ, FBI và Sở Thuế vụ (IRS) công bố tuần trước. Tuy nhiên một quan chức tư pháp Mỹ giấu tên khẳng định phía Mỹ đã bắt đầu điều tra cả World Cup 2018 và 2022. Ngoài ra, Mỹ cũng điều tra các hoạt động của FIFA dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Sepp Blatter, người vừa tuyên bố từ chức.
 
Phản ứng lại, Ngoại trưởng Qatar Khaled al-Attiyah tuyên bố sẽ không có chuyện nước này bị tước quyền đăng cai World Cup 2022. “Rất nhiều người không nuốt trôi được việc một nước Ả Rập tổ chức World Cup. Định kiến và tư tưởng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân đằng sau chiến dich bôi nhọ Qatar” - ông al-Attiyah chỉ trích. Nga cũng bác bỏ mối lo ngại cuộc điều tra tham nhũng FIFA ảnh hưởng tới World Cup 2018.
 
“Chúng tôi vẫn hợp tác với FIFA và điều quan trọng là Nga đang tiếp tục chuẩn bị cho World Cup 2018” - người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Dmitry Peskov khẳng định. HIện chính quyền Thụy Sĩ cũng đang điều tra quy trình đấu thầu Word Cup 2018 và 2022.
 
Thêm ứng cử viên thay Blatter
 
Mới đây, một người phát ngôn FIFA cho biết toàn bộ 400 nhân viên ở trụ sở FIFA tại Thụy Sĩ đã đứng lên vỗ tay hoan hô ông Sepp Blatter trong ngày ông tuyên bố từ chức. “Tràng vỗ tay kéo dài trong vài phút và ông Blatter vô cùng xúc động” - người phát ngôn này mô tả. Một nguồn tin từ nội bộ FIFA tiết lộ chính các cố vấn của ông Blatter khuyên ông nên ra đi bởi sức ép từ cơ quan điều tra, các nhà tài trợ, UEFA...
 
Bên ngoài trụ sở FIFA, làn sóng chỉ trích ông Blatter tiếp tục lan rộng. Do cuộc họp đặc biệt để bầu cử chủ tịch mới chỉ diễn ra sớm nhất là vào tháng 12-2015, ông Blatter vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành FIFA. Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Kozo Tashima, thành viên Ủy ban Điều hành FIFA, cho rằng ông Blatter cần phải ra đi ngay lập tức. Cựu đội trưởng đội tuyển Anh David Beckham cũng lên tiếng đòi FIFA phải nhanh chóng cải tổ.
 
“Những điều xảy ra ở FIFA là đáng khinh bỉ, không thể chấp nhận được và quá tồi tệ đối với bóng đá, môn thể thao mà chúng ta vô cùng yêu quý” - cựu tuyển thủ Anh David Beckham tuyên bố trên Sky Sports
Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng việc ông Blatter từ chức là cơ hội để FIFA cải thiện hình ảnh.
 
Giới chuyên môn đánh giá hiện hai ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Blatter là chủ tịch UEFA Michel Platini và Hoàng tử Jordan Ali Bin Al Hussein, người bị ông Blatter đánh bai trong cuộc bầu cử tuần trước. Tỷ phú Hàn Quốc Chung Mong-Joon của tập đoàn Hyundai cũng tuyên bố tham gia cuộc đua. Một nhân vật đáng chú ý khác là Domenico Scala, chủ tịch Ủy ban Kiểm toán FIFA.
 
Cựu ngôi sao Brazil Zico, huyền thoại bóng đá Argentina Diego Maradona, cựu phó Tổng thư ký FIFA Jerome Champagne và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Wolfgang Niersbach cũng được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng để thay thế cho ông Blatter.
 
>> Anh có thể đăng cai World Cup 2018 hoặc 2022
>> “Làm sạch” FIFA thế nào khi Blatter từ chức?
 
Theo Hiếu Trung-Đ.K.L (Tuổi Trẻ)