Thể thao >> Thể thao trong nước

'Cầu thủ Việt khó đua tranh đá chính ở Thai League'

Tiền đạo đội trưởng của U23 Thái Lan Chendrop Samphaodi chia sẻ các cầu thủ Việt Nam có cơ hội thi đấu tại Thai League. Tuy nhiên họ phải chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt.

Từ mùa giải 2018, Ban tổ chức Thailand Premier League (TPL) sẽ mở cửa cho các đội bóng đăng ký suất ngoại binh dành cho cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á. Mục đích của họ là muốn quảng bá giải đấu đến các nước trong khu vực. Bởi hiện tại, Thai League đang là giải VĐQG chất lượng nhất, đáng xem nhất ở Đông Nam Á.

"Thai League là giải đấu khốc liệt"

Việt Nam được nhắm đến như một thị trường tiềm năng, bởi chất lượng cầu thủ được đánh giá khá cao. Mới đây tờ Fox Sports Asia và một loạt các tờ báo của Thái đã loan tin, CLB Buriram United đã đạt được thỏa thuận với một cầu thủ họ Nguyễn, để đưa về thi đấu mùa 2018. Tờ Fox Sports cho rằng đó là chân sút Nguyễn Văn Quyết - người đang thi đấu cho CLB Hà Nội.

'Cầu thủ Việt khó đua tranh đá chính ở Thai League'
Chendrop Samphaodi đang cùng đồng đội chuẩn bị cho giải M-150 Cup trên sân  nhà.

Khi được hỏi về điều này, Chendrop Samphaodi đã không ngần ngại nói thẳng. “Tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để thi đấu tại Thai League, nhưng họ sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thai League là giải đấu chất lượng, mức độ đua tranh cao, ngay cả cầu thủ Thái Lan cũng phải nỗ lực rất nhiều để được ra sân thi đấu thường xuyên”.

Bản thân Chendrop Samphaodi là minh chứng rõ nét về sự khắc nghiệt của Thai League. Anh vốn giữ băng thủ quân của U23 Thái Lan, tài năng sớm được chứng minh ở SEA Games. Tuy nhiên ở cấp độ CLB, chân sút sinh năm 1995 vẫn chưa thật sự có chỗ đứng tại CLB Police Tero FC.

Ở mùa bóng 2017, anh mới thi đấu tổng cộng 1.021 phút trong 21 trận. 11 trong số đó, Samphaodi vào sân từ ghế dự bị. Tiền đạo 22 tuổi chỉ đóng góp được 1 bàn thắng cho CLB chủ quản. Tính luôn cả đấu trường FA Cup, đội trưởng U23 Thái Lan chỉ có thêm 3 lần ra sân khác.

Vì sao Thai League khó cho cầu thủ Việt Nam

Thai League một thời chất lượng kém xa V.League của Việt Nam. Đó là câu chuyện của hơn một thập niên trước khi hàng loạt cầu thủ hay nhất của Thái Lan như Kiatisak, Tawan, Dusit, Chukiat, Thonglao… sang mảnh đất hình chữ S lập nghiệp. Họ là hạt nhân trong lối chơi của các CLB Việt Nam nên nhận được đãi ngộ rất cao.

'Cầu thủ Việt khó đua tranh đá chính ở Thai League' - 1
Văn Quyết là một trong những ngôi sao của bóng đá Việt Nam mà báo chí Thái Lan cho rằng có thể sang Thai League thi đấu từ mùa 2018.

Tuy nhiên khi chất lượng V.League đi xuống, cầu thủ Thái Lan cũng bắt đầu hồi hương. Gần 10 năm nay, Thai League vươn mình trở thành giải đấu số một khu vực, nhờ học hỏi và thực hiện bài bản cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài, đặc biệt của Ngoại hạng Anh. Báo Thái Lan từng thống kê có lúc, tỷ suất người xem Thai League còn cao hơn xem NH Anh.

Thai League mùa 2017 quy định mỗi CLB được đăng ký 5 ngoại binh trong đội hình và có thể ra sân 4, trong đó bắt buộc có 1 cầu thủ đến từ các nước là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Hầu hết các đội nói không với ngoại binh châu Phi đồng thời sử dụng rất nhiều cầu thủ chất lượng của Brazil hay châu Âu. Điều đó giúp mặt bằng chất lượng giải đấu được đẩy lên cao.

Với suất người chơi thuộc AFC, các đội Thái Lan hầu như chỉ sử dụng cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản - 2 nền bóng đá hàng đầu châu lục. Rõ ràng trong những năm qua, không cầu thủ Việt Nam nào đủ “trình độ” để lọt vào mắt xanh của các đội bóng ở Thai League. Những năm trước từng xuất hiện thông tin Công Vinh được nhắm đến nhưng rốt cuộc không có bất cứ một cuộc thương lượng hay chuyển nhượng nào.

'Cầu thủ Việt khó đua tranh đá chính ở Thai League' - 2
Nhiều cầu thủ từng thi đấu ở Ngoại hạng Anh liên tục khoác áo các đội Thai League những năm gần đây. Điều đó đã giúp chất lượng giải đấu được nâng cao đáng kể.

Khi quyết định mở cửa cho cầu thủ ASEAN sang Thai League, ban tổ chức kèm theo một điều kiện là người đó phải có ít nhất 20 lần khoác áo ĐTQG. Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam sang thi đấu tại giải đấu số một Thái Lan phải là người có kinh nghiệm hoặc đang thuộc hàng “sao”. Nhưng điều đó không lấy gì đảm bảo các ngôi sao bóng đá Việt Nam sẽ tỏa sáng ở vùng đất mới.

“Nếu cầu thủ Việt Nam thi đấu tại Thái Lan đó chẳng khác gì một thách thức cho bản thân”, Chendrop Samphaodi kết luận. Chịu sự cạnh tranh rất cao nhưng mức lương cho ngoại binh là điểm hấp dẫn của Thai League. Mới đây, ngôi sao trẻ của Myanmar Aung Thu đã hoàn tất việc chuyển sang khoác áo CLB Police Tero FC cùng mức lương chừng 10.000 USD/tháng.

Đây là mức mà không cầu thủ Việt Nam nhận được tại V.League hiện nay. Nó vốn chỉ dành cho những ngoại binh hay cầu thủ nhập tịch như Uche, Hoàng Vũ Samson hay Pape Omar.

Theo Nguyễn Đăng (Tri Thức Trực Tuyến)