Thể thao

Bí mật về những năm tháng của Carlo Ancelotti ở Chelsea

Câu chuyện hậu trường tại Chelsea được hé lộ qua cách kể chuyện bình tĩnh của Carlo Ancelotti trong cuốn sách mới được phát hành "Quiet Leadership: Winning Hearts, Minds and Matches" (Tạm dịch: Nhà lãnh đạo thầm lặng).

 
Câu chuyện hậu trường tại Chelsea được hé lộ qua cách kể chuyện bình tĩnh của Carlo Ancelotti trong cuốn sách mới được phát hành "Quiet Leadership: Winning Hearts, Minds and Matches" (Tạm dịch: Nhà lãnh đạo thầm lặng).

Chelsea yêu cầu những cuộc gặp gỡ đều phải diễn ra bí mật, họ không muốn truyền thông biết mình đang tìm hiểu những ứng viên này. Tôi cảm thấy buồn cười khi nghĩ về đề nghị này của họ. Một ông chủ như Roman Abramovich gặp gỡ một HLV như Carlo Ancelotti thì bí mật thế nào được. Tôi tất nhiên chẳng nói gì cả, tôi nghĩ chắc cũng còn khá lâu mọi người mới biết, cho đến khi tôi nhận được cuộc gọi từ Adriano Galliani: "Sao rồi, có định sang Chelsea không?".

Như mọi người đã rõ. Tôi đã không sang Chelsea vào thời điểm ấy. Họ quyết định chọn Luiz Felipe Scolari, có lẽ vì tiếng Anh của tôi quá tệ.

bi-mat-ve-nhung-nam-thang-cua-carlo-ancelotti-o-chelsea

Roman Abramovich (trái) luôn đòi hỏi rất cao ở Ancelotti. Ảnh: Action.

Thế nhưng Scolari làm việc không thật sự hiệu quả và lại bị sa thải vào đầu năm 2009. Guus Hiddink được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền đến hết mùa. Tất nhiên tôi lại lọt vào danh sách tìm HLV mới của họ lần nữa. Toàn bộ quá trình tiếp xúc, phỏng vấn được tiến hành lại từ đầu. Tất nhiên là cũng... bí mật.

Tháng 2/2009, Giám đốc phụ trách các vấn đề bóng đá của Chelsea, Mike Forde, liên tục có những cuộc gặp gỡ với tôi và người đại diện của tôi - Bruno Demichelis. Đấy là những cuộc gặp mà theo tôi là bất thường. Chúng tôi nói về đủ thứ: tầm nhìn chiến lược của Chelsea, mô hình vận hành, những mục tiêu chiến lược, việc áp dụng dữ liệu, cách quản lý những ngôi sao lớn và cuối cùng là những điều kiện mà tôi đưa ra để hai bên có thể làm việc với nhau một cách tốt nhất. Mike hỏi tôi về tất cả những vấn đề đó, và còn... nhiều vấn đề khác nữa.

Đấy là quá trình tìm hiểu tỉ mỉ, thậm chí là căng thẳng nhất mà tôi từng trải qua trong sự nghiệp. Nhưng đến tháng Ba, rốt cục tôi cũng đồng ý sẽ cầm quân cho Chelsea. Công việc sẽ khởi đầu từ tháng Sáu, sau khi tôi ký hợp đồng. Mike quả thực đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu CLB mới, tìm hiểu những đặc thù của Premier League, chính sách tuyển mộ và kỳ vọng của ông chủ.

Rồi tôi được đưa đến Hà Lan cho một tuần lễ... tu nghiệp sinh ngữ. Một tuần, nhưng có cảm tưởng rất dài vì tôi phải nhồi tiếng Anh từ 8h sáng đến 8h tối. Ngôn ngữ là trở ngại trong lần đầu tiên Chelsea muốn bổ nhiệm tôi và bây giờ họ muốn phá vỡ trở ngại ấy. Bản thân tôi cũng muốn như thế, nên tôi ra sức học hành chăm chỉ. Sau khi kết thúc khóa tu nghiệp ngắn hạn, tôi đã có thể dùng tiếng Anh để trả lời cuộc họp báo đầu tiên tại Chelsea trước 200 phóng viên. Hồi hộp phết, nhưng tôi cũng vượt qua dễ dàng.

Phòng thay quần áo của Chelsea có nhiều cá tính mạnh mẽ. Nhưng tôi tin sự nghiệp thành công của mình trước đó đủ để tạo một sức nặng lên họ. Có hai chức vô địch Champions League trong tay, HLV nào mà chẳng muốn sự tuân phục của các cầu thủ. Tôi cũng thế, nhưng đấy chỉ là khởi đầu. Tuần trăng mật với các cầu thủ ngôi sao sẽ sớm kết thúc vì ngay sau đó, họ sẽ nhìn bạn theo cái kiểu: "Ông này làm được gì cho mình đây?"

Tôi không vội thay đổi cách tập luyện ở Chelsea. Nếu các cầu thủ cảm thấy thoải mái với cách tập cũ, vậy thì cứ tiếp tục theo cách ấy. Nhưng tôi thay đổi lối chơi, điều này có cái lợi là nó đòi hỏi sự tập trung và học hỏi của họ. Nó tạo ra một động lực trong đội bóng. Ở Chelsea, cũng như ở Real Madrid sau đó, thay đổi lối chơi cũ còn là yêu cầu bắt buộc của ông chủ.

Một trong những buổi gặp đầu tiên với Abramovich, tôi vẫn nhớ ông ấy đã nói: "Tôi muốn tìm một nhà cầm quân có thể mang lại cho Chelsea bản sắc. Bởi vì tôi không nhìn thấy bản sắc lúc xem Chelsea thi đấu. Đấy là thứ người ta dễ dàng nhận ra ở Barcelona và Man Utd. Nhưng chúng tôi chưa có thứ bản sắc ấy".

bi-mat-ve-nhung-nam-thang-cua-carlo-ancelotti-o-chelsea-1

Giúp Chelsea đoạt cú đúp nhưng Ancelotti không được lòng ban lãnh đạo đội bóng thành London.

OK, bản sắc thì bản sắc. Chúng tôi tập luyện và thi đấu theo hướng kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu. Mà để kiểm soát trận đấu, còn cầu thủ nào tốt hơn Andrea Pirlo ở Milan nữa? Chúng tôi đã cố ký hợp đồng với cậu ấy, nhưng thương lượng thất bại. Thế nên thời gian đầu, tôi đã dùng Michael Essien ở vị trí ấy. Essien đã thích nghi rất nhanh và trở thành một trong những tiền vệ cầm trịch hay nhất.

Thời gian đầu của tôi ở Chelsea phải nói là tuyệt vời. Chúng tôi toàn thắng mọi trận đấu tập huấn trên đất Mỹ. Mọi ý tưởng của tôi có vẻ như đều được cầu thủ đón nhận một cách dễ dàng. Mùa bóng sau đó đã khởi đầu mỹ mãn khi chúng tôi thắng 14 trong 16 trận đầu tiên trên mọi đấu trường. Vậy mà vẫn có dấu hiệu cho thấy ông chủ không hài lòng. Trong mạch trận tuyệt vời ấy, chúng tôi để thua Wigan 1-3. Đấy chỉ là một cú xảy chân thuần túy, một chuyện vẫn xảy ra trong bóng đá, ở bất kỳ nơi nào. Vậy mà ngay sáng hôm sau trận thua ấy, Abramovich đã xuất hiện trên sân tập và yêu cầu một lời giải thích. Tôi cố nghe lời khiển trách của ông ấy một cách nhã nhặn, nhưng lẽ ra tôi phải chuẩn bị những câu trả lời trước khi ông ấy đến. Lẽ ra tôi phải xem đấy là lời cảnh báo đầu tiên cho công việc của mình. Mối quan hệ với Abramovich quả là không dễ dàng chút nào, cho dù Silvio Berlusconi cũng là một người đòi hỏi rất khủng khiếp.

Khi tháng 12 đến, chúng tôi đang đứng trong hai vị trí cao nhất Premier League và kết thúc bảng đấu Champions League của mình ở ngôi đầu. Lá thăm cho chúng tôi gặp Inter Milan và tất nhiên là Jose Mourinho, ở vòng 16 đội. Đấy là lúc áp lực và sự kỳ vọng tăng lên đột biến, cho dù Champions League phải còn hơn hai tháng nữa mới khởi tranh. Đối đầu với HLV cũ, đâu thể để thua được.

Chúng tôi khởi đầu năm 2010 một cách mạnh mẽ. Nhưng đến tháng Hai, có hai trận thua lớn diễn ra làm cho mối quan hệ với tôi và Abramovich bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đầu tiên là trận thua 2-4 trên sân nhà trước Man City. Đấy là một trận thua toàn diện về mặt chiến thuật. Đúng thói quen, Abramovich triệu tập cuộc họp vào 9h sáng hôm sau để tìm hiểu nguyên nhân. Abramovich không bao giờ thích những trận thua lớn, ông bảo điều ấy không thể chấp nhận tại Chelsea. Trận thua lớn thứ hai, trầm trọng hơn cả trận đầu, là thất bại trước Inter Milan ở lượt đi vòng 1/8 Champions League.

Khi chúng tôi thua nốt Inter 0-1 ở trận lượt về, truyền thông lần đầu tiên tổng công kích tôi từ ngày tôi đặt chân đến nước Anh. Kỳ trăng mật đã hết, thật sự đã hết. Ngày hôm sau Abramovich triệu tập cuộc họp, lại đòi hỏi những câu trả lời. Một lần nữa, tôi nhận thêm bài học về cách ứng xử với các kiểu ông chủ khác nhau. Và một lần nữa, tôi chọn cách không dùng sự giận dữ để đáp lại sự giận dữ. Mất bình tĩnh và đôi co với người trả lương cho mình chưa bao giờ là phong cách của tôi. Thay vào đó, tôi cố nhìn vào những mặt tươi sáng, tìm ra vấn đề, chọn những giải pháp. Khi Inter của Mourinho giành chức vô địch Champions League vào cuối mùa bóng ấy, tôi bị xem là một kẻ thất bại, vì không đạt được mục tiêu đã đề ra. Đấy là khởi đầu cho một sự kết thúc.

bi-mat-ve-nhung-nam-thang-cua-carlo-ancelotti-o-chelsea-2

Thất bại ở Champions League trước Jose Mourinho là một trong những bước ngoặt, làm ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của Ancelotti ở Chelsea.

Đã bị loại khỏi Champions League, tôi hướng cầu thủ đến một mục tiêu mới: giành cú đúp vô địch Premier League và Cup FA lần đầu tiên trong lịch sử Chelsea. Tôi dựng lên một biểu đồ để các cầu thủ thấy cú đúp - nếu họ đạt được - có ý nghĩa đến như thế nào. Trong thế kỷ 20, chỉ có vỏn vẹn bốn đội làm được điều này. Và từ khi thế kỷ 21 mở ra, duy nhất một đội giành được cú đúp, mà cũng đã cách đấy tám năm. Đó là Arsenal cực mạnh của năm 2002.

Đây là cách mà tôi vẫn dùng để tạo dựng bầu không khí đoàn kết trong đội. Các cầu thủ biết rõ ông chủ rất tức giận với tôi, và họ cảm thấy mình có lỗi trong việc ấy. Thế là họ cố... bù đắp, họ cố nỗ lực nhiều hơn để trả "món nợ" dù họ chẳng nợ gì tôi cả. Nhưng cách chơi "chuộc lỗi" ấy quả thật đã mang đế kết quả mỹ mãn. Chúng tôi mở ra một mạch trận thành công mới, với nhiều trận thắng rất đậm. Cuối mùa bóng ấy, chúng tôi đánh bại Wigan 8-0 để giành chức vô địch. Một tuần sau, chúng tôi hạ Portsmouth để giành nốt Cup FA, hoàn tất cú đúp. Thế nhưng, tôi lại không được ông chủ gọi đến để bàn chuyện gia hạn hợp đồng như kỳ vọng. Trên thực tế, đã không có lấy một cuộc gọi nào.

Tôi biết sự nghiệp ở Chelsea khó mà kéo dài được.

Theo Hoài Thương (VnExpress.net)