Thể thao

Bản quyền ASIAD 2018: Cơ hội phút cuối

Theo một lãnh đạo của Tổng cục TDTT, các nhà đài Việt Nam vẫn đang thương thảo về vấn đề bản quyền ASIAD dù chỉ còn hai ngày nữa là môn bóng đá nam sẽ khởi tranh.

Theo vị lãnh đạo này, các nhà đài Việt Nam vẫn đang tích cực đàm phán để làm sao mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018 từ đối tác nước ngoài nhằm phục vụ nhu cầu của người hâm mộ nước nhà:

"Các nhà đài Việt Nam vẫn đang thương thảo, cố gắng để có được bản quyền ASIAD".

Trước đó trong thông báo phát tối ngày 30/7, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã cho biết "không thể đàm phán việc mua bản quyền ASIAD 2018", do đối tác KjsmWorld Corp (trụ sở Hàn Quốc, đơn vị mua lại từ ban tổ chức Á vận hội) đưa ra mức giá quá cao.

Có nhiều nguồn tin cho rằng, KjsmWorld Corp chào giá khoảng 15 triệu USD, tương đương với bản quyền World Cup 2018. Con số này cao gấp nhiều lần bản quyền ASIAD 2014, trong khi nếu so về sức hút, giải đấu châu Á không thể nào sánh được với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Khả năng thu hồi vốn là không cao, chứ chưa nói đến có lãi. Vì thế, VTV đã dừng việc thương thảo.

Bản quyền ASIAD 2018: Cơ hội phút cuối
Người hâm mộ vẫn còn cơ hội được xem các cầu thủ thi đấu tại ASIAD

Cơn sốt bóng đá mà U23 Việt Nam mang lại sau VCK U23 châu Á hồi đầu năm được cho là một trong số nguyên nhân khiến đối tác "thổi giá" bản quyền ASIAD 2018 - giải đấu đánh dấu sự trở lại của thầy trò HLV Park Hang-seo ở sân chơi tầm châu lục. Tuy nhiên, nếu không có bản quyền truyền hình, người hâm mộ Việt Nam sẽ không thể theo dõi trực tiếp đội tuyển bóng đá nam cũng như các đội tuyển khác của Việt Nam tranh tài tại ASIAD trên các kênh truyền hình chính thống.

Thêm nữa, phong độ ấn tượng của ĐT Olympic Việt Nam tại giải giao hữu Tứ hùng cũng khiến nhu cầu được theo dõi các cầu thủ thể hiện tại một đấu trường lớn như ASIAD càng tăng cao gấp nhiều lần. Đó chính là lý do, một số nhà đài vẫn đang tích cực đàm phán và hy vọng đối tác sẽ hạ giá, để "đôi bên cùng có lợi" (nếu không bán bản quyền ASIAD 2018 trên lãnh thổ Việt Nam cho các nhà đài trong nước thì đối tác cũng không thể bán cho bất cứ đơn vị nào khác). Không riêng người hâm mộ, các nhà đài, đối tác tác tài trợ cũng đang hồi hộp chờ kết quả đàm phán.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn thừa nhận, do tới cận kề ngày khai mạc giải đấu mà Việt Nam vẫn chưa có bản quyền truyền hình khiến bộ phận chức năng của đoàn gặp khó khi tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp tài trợ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các CĐV.

Theo Thế Trung (Thethao247.vn/Tinnhanhonline.vn)