Thế giới

Yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại tàu cá bị truy đuổi, chìm ở Hoàng Sa

Liên quan đến vụ ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi và chìm tàu ở Hoàng Sa hôm 6/3, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm phản đối và yêu cầu bồi thường thỏa đáng.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, lúc 9h ngày 6/3, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90819 TS cùng năm ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44101 chạy đến.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun lên tàu cá để xua đuổi. Trong quá trình di chuyển, đến 10h cùng ngày, tàu QNg 90819 TS đâm vào rạn đá ngầm và chìm tại toạ độ 16,15 độ vĩ Bắc - 111,38 độ kinh Đông. Địa điểm xảy ra vụ việc cách phía tây bắc đảo Đá Lồi khoảng 0,5 hải lý.

Các ngư dân gặp nạn đã bám vào mũi tàu trôi dạt trên biển, được tàu cá của Việt Nam số hiệu QNg 90620 TS cứu vào khoảng 13h cùng ngày.

Yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại tàu cá bị truy đuổi, chìm ở Hoàng Sa
5 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa trở về đất liền an toàn. Ảnh: T.Tanh.

Ngày 20/3, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao công hàm và phản đối việc làm trên của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc về vụ việc trên để xử lý nghiêm nhân viên và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Sau 12 ngày bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, uy hiếp ép vào rạn đá ngầm làm chìm tàu cá, ngày 17/3, thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng cùng bốn ngư dân Quảng Ngãi được bạn thuyền cùng quê đưa về đất liền an toàn.

Tàu cá của ông Hùng rời cảng Bình Châu ra khơi ngày 4/3, đến ngày 6/3 thì gặp nạn. Sau khi được cứu vớt, năm ngư dân nán lại trên tàu của bạn tiếp tục đánh bắt thủy sản hy vọng gỡ gạc chuyến biển nên đến nay mới về đất liền.

Theo Lê Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)