Thế giới

Xem tàu Trung Quốc bám theo tàu Mỹ ở gần Trường Sa

Trong chuyến tuần tra lần đầu tiên ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth của Mỹ bị tàu chiến Trung Quốc bám theo nhiều ngày liền. Hải quân Mỹ vừa công bố video và ảnh về sự kiện này.

Trong chuyến tuần tra lần đầu tiên ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth của Mỹ bị tàu chiến Trung Quốc bám theo nhiều ngày liền. Hải quân Mỹ vừa công bố video và ảnh về sự kiện này.
Tàu USS Fort Worth được điều sang hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, căn cứ chính ở Changi, Singapore từ tháng 12.2014 và thường tuần tra trên Biển Đông. Tháng 4.2015 vừa qua tàu có chuyến thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng và có buổi thực hành tác nghiệp với Hải quân Việt Nam.
 

Tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth (LCS 3) tuần tra gần quần đảo Trường Sa, phía sau bên trái là tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc bám theo, ngày 11.5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Mới đây tàu này có chuyến tuần tra lần đầu tiên ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa, và kết thúc ngày 13.5 khi ghé cảng Subic (Philippines). Hải quân Mỹ cho biết từ ngày 11 - 12.5, tàu Fort Worth bị tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546, lớp tàu chiến Type 054A) bám theo sau ở khoảng cách có thể thấy được.

Hải quân Mỹ cũng công bố ảnh và video cho thấy cảnh tàu Trung Quốc bám theo tàu Mỹ trong những ngày đó.

Phát biểu với báo Stars & Stripes ngày 13.5 về chuyến tuần tra gần Trường Sa của tàu Fort Worth, tư lệnh Hạm đội 7, phó đô đốc Robert Thomas nói: “Đây là hoạt động thường lệ của các tàu chiến Hạm đội 7 tại Biển Đông và cũng là điều thường xuyên với các tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở trong tầm quan sát của chúng tôi. Không một ngày nào trôi qua mà Hạm đội 7 và Hải quân Trung Quốc không nói chuyện với nhau".

Mỹ đã từ chối công nhận khoảng cách 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép các nước áp khoảng cách vùng nước nội thuỷ 12 hải lý tính từ bờ biển, nhưng không áp dụng cho các đảo nhân tạo.

Tuy Mỹ đứng ngoài cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng luôn phản đối các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại khu vực này, và nhất là hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo trái phép ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đang gây lo lắng cho cả khu vực.

Các quan chức quân sự Mỹ nói với tờ Wall Street Journal rằng các máy bay Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo này ở khoảng cách 12 hải lý để quan sát khi hoạt động xây dựng diễn ra. Phía Trung Quốc đã dùng liên lạc vô tuyến nói rằng phi công Mỹ đã bay gần lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc. Đáp lại, các phi công Mỹ nói họ đang bay trong không phận quốc tế.

Hải quân Mỹ nói tàu USS Fort Worth khi tuần tiễu gần Trường Sa có đi gần khoảng cách 12 hải lý (22 km) của các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây nhưng không vào sâu hơn. Khi tàu Trung Quốc bám theo, tàu USS Fort Worth liên lạc vô tuyến nhắc nhở rằng họ đang di chuyển trong hải phận quốc tế. Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc không trả lời tàu Mỹ.

Không chỉ gặp tàu Yancheng, tàu Fort Worth còn gặp nhiều tàu chiến Trung Quốc khác suốt cuộc tuần tra gần Trường Sa kéo dài 1 tuần.

Chỉ huy tàu Fort Worth, ông Matt Kawas cho hay tàu Yancheng bám theo tàu của ông 2 ngày liên tiếp 11 - 12.5, và chẳng có sự cố gì xảy ra. Ông cho hay 2 tàu trao đổi liên lạc với nhau theo bộ quy tắc Chống xung đột ngoài ý muốn trên biển (CUES), và nói cả hai trao đổi CUES rất chuyên nghiệp.
 
 
Tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (FFG 546) của Trung Quốc bám theo tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth của Mỹ (phía trước), ngày 11.5.2015 - Ảnh chụp từ trực thăng của tàu Fort Worth

Trực thăng của tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth quan sát việc di chuyển của tàu từ trên không, khi tàu tuần tra gần quần đảo Trường Sa ngày 12.5.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 13.5 cho hay đã yêu cầu thuộc cấp xem xét kế hoạch triển khai máy bay hải quân và tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa để đảm bảo tự do hàng không và hàng hải. Nếu được thực hiện, các tàu chiến Mỹ sẽ hiện diện cách các đảo nhân tạo này bên ngoài 12 hải lý (22 km). Tuy nhiên kế hoạch này sẽ phải được Nhà Trắng phê duyệt, theo Reuters.

Sau khi có thông tin này cùng tin tàu chiến Mỹ lần đầu tuần tra gần quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc đã phản ứng tức tối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 14.5 nói Trung Quốc lo ngại về các phát biểu của Mỹ, và nói tự do hàng không và hàng hải không có nghĩa là tàu chiến và máy bay nước ngoài tự do ra vào không phận và hải phận của nước khác.

Hung hăng hơn, Hoàn Cầu thời báo ngày 15.5 có bài xã luận hô hào Trung Quốc nên đáp trả bất kỳ hành vi phô trương sức mạnh nào của Mỹ ở quần đảo Trường Sa khi viết rằng "Nếu máy bay chiến đấu của Mỹ bay qua các đảo của Trung Quốc, và nếu tàu chiến của Mỹ xâm nhập vào vùng biển 12 hải lý tính từ các đảo của Trung Quốc, chúng ta tin quân đội Trung Quốc sẽ chứng minh rằng hành động kiểu cướp biển của Mỹ là đã diễn ra sai chỗ và sai người ".

Với tốc độ nhanh, di chuyển lẹ, tàu Fort Worth được thiết kế để hoạt động trong môi trường gần bờ và tác chiến mặt đất, dò phá thuỷ lôi và tìm diệt tàu ngầm.

Tàu Fort Worth vũ trang 1 pháo 57 mm và có các dàn phóng tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, 2 pháo bắn nhanh 30 mm, 2 xuống cao su dài 11 m cho lực lượng đặc nhiệm, 1 trực thăng MH-60R Sea Hawk và 1 trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout.
 
>> Trung Quốc tố ngược Mỹ gây căng thẳng ở biển Đông
>> Mỹ đưa máy bay ném bom tới Australia đe Trung Quốc
>> Tàu Trung Quốc đeo bám chiến hạm Mỹ gần quần đảo Trường Sa
>> Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ trên biển Đông?
 
Theo Anh Sơn (Tinnong.vn)