Thế giới

Xả súng ở Orlando: Vì sao 3 giờ sau cảnh sát mới ập vào?

Việc dây dưa, kéo dài thời gian đến 3 giờ sau mới xông vào hộp đêm có thể là chủ ý của cảnh sát Orlando, theo Los Angeles Times. Tại sao như vậy?

Việc dây dưa, kéo dài thời gian đến 3 giờ sau mới xông vào hộp đêm có thể là chủ ý của cảnh sát Orlando, theo Los Angeles Times. Tại sao như vậy?

Một thành viên thuộc đội cảnh sát đặc nhiệm Mỹ tại hiện trường vụ xả súng ở Orlando, Florida - Ảnh: AP

2g02 rạng sáng ngày 12-6 (giờ Mỹ), Omar Mateen bắt đầu xả súng, bắn giết bên trong hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính nam ở Orlando, Florida. Nhưng phải đến hơn ba giờ sau đó, 5g05 sáng, cảnh sát mới ập vào và bắn chết Mateen.

Vì sao như vậy?

Việc dây dưa, kéo dài thời gian đến 3 giờ có thể là chủ ý của cảnh sát Orlando, theo Los Angeles Times. Do họ muốn giảm thiểu thiệt hại, hay muốn đàm phán với Mateen với hi vọng có thể giữ mạng sống của nhiều người bị kẹt bên trong?

Vụ xả súng tại trường trung học Columbine năm 1999 ở Colorado đã khởi đầu cho những tranh luận về cách thức đối phó các tay súng của cảnh sát Mỹ. Vào thời điểm đó, họ chỉ đơn giản được yêu cầu giữ nguyên hiện trường và ngăn không cho bạo lực tiếp diễn.

Hậu quả 13 người đã phải bỏ mạng tại trường trung học Columbine và làm dấy lên quan ngại, tranh cãi giữa các sở cảnh sát ở Mỹ, rằng cần phải hạ tay súng càng nhanh càng tốt trước khi hắn/cô ta kịp giết thêm bất kỳ một người nào nữa.

Trong vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, cảnh sát đặc nhiệm Pháp đã xông vào nhà hát Bataclan chỉ trong vòng 35 phút.

Với hộp đêm Pulse ngày 12-6, cảnh sát Orlando thừa nhận ban đầu họ xem sự việc như một vụ bắt cóc, giam giữ con tin thông thường. Do đó, đã cố gắng liên lạc và thuyết phục Mateen trong suốt hai giờ trước khi triển khai một đội cảnh sát đặc nhiệm đến hiện trường.

Cảnh sát không tiết lộ đã nói những gì với Mateen. Vụ nổ súng đầu tiên được ghi nhận vào lúc 2g02, Omar Mateen được cho đã bắn một cảnh sát Orlando rồi lao vào trốn trong hộp đêm Pulse, nơi có khoảng 200 người đang tụ tập.

Trong suốt hai giờ sau đó, cảnh sát tập trung bên ngoài hộp đêm. Một số phương tiện truyền thông cho biết cảnh sát đang đợi xe bọc thép và lực lượng tăng cường đến hiện trường.

Mãi đến 5g05, sau khi tạo một vụ nổ bên ngoài làm phân tâm Mateen, cảnh sát mới xông vào bên trong hộp đêm và phát hiện hàng chục người chết, bị thương.

Ông Stuart Cameron, người từng viết nhiều bài báo khoa học về cách xử lý khi đối mặt với các tay súng, cho biết cảnh sát phải nhanh chóng đưa ra quyết định chính xác trong tình huống khẩn cấp như vậy.

Nếu vội vàng ngăn chặn, họ sẽ mạo hiểm mạng sống của họ và các con tin bên trong. Nhưng nếu dây dưa, chậm trễ trước một tay súng đang nổi điên, họ sẽ phải trả giá đắt.

Các phân tích thu được từ những vụ bắn giết trước đó cho thấy cứ mỗi 15 giây sẽ có một người bị giết trong một vụ xả súng điển hình.

Tuy nhiên, theo ông Cameron, cảnh sát cần phải biết được kẻ đang giữ con tin là người như thế nào để có chiến thuật thích hợp, là cá nhân, một nhóm nhỏ, kẻ tâm thần hay khủng bố...

Trong vụ xả súng ở Orlando, vợ cũ của Mateen cho biết hắn có vấn đề về tâm thần, từng đánh và giam giữ cô như một con tin. Chỉ bốn tháng sau khi kết hôn, Sitora Yusifiy đã buộc phải li dị vì không chịu nổi sự nóng tính và bất ổn về tâm lý của y.

Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)