Thế giới

Vũ khí khiến 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc trở nên vô dụng

MQ-25 được tạo ra để đối phó với chiến lược A2/AD của Trung Quốc, vì 2 loại tên lửa DF-21D và DF-26 (với tầm bắn lần lượt 1.500km và 3.500km) đều có khả năng tấn công tàu sân bay.

Vũ khí khiến 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc trở nên vô dụng
Hình ảnh mô phỏng đòn tấn công của tên lửa DF-21D. Ảnh: Asia Times

Những năm gần đây, Trung Quốc thiết lập hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) rất chặt chẽ, hình thành mạng lưới phòng thủ bộ-không-biển đối với khu vực xung quanh.

Trong đó, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 và DF-21D trở thành 2 thành phần chủ lực trong mô hình tác chiến đánh chìm tàu sân bay, tạo ra mối đe dọa lớn đối với tàu mặt nước cỡ lớn trong phạm vi 3.000km.

Tuy nhiên, theo báo cáo của tạp chí National Interest, quân đội Mỹ cũng đã nghiên cứu một loại vũ khí đối phó tương ứng.

Vũ khí khiến 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc trở nên vô dụng - 1
Mẫu UAV T-1 của Boeing phục vụ chương trình MQ-25, dùng tiếp dầu cho máy bay trên tàu sân bay. Ảnh: Boeing

Hồi tháng 3 năm nay, công ty Boeing đã giới thiệu nguyên mẫu UAV tiếp dầu cho các chiến đấu cơ trên tàu sân bay để tham gia đấu thầu chương trình MQ-25 "Stingray" của Hải quân Mỹ

Tổng cộng hiện có 3 nhà thầu quân sự tham gia dự án MQ-25 "Stingray", bao gồm Boeing, General Atomics và Lockheed Martin, sau khi Northrop Grumman rời đường đua hồi năm ngoái. Trong đó, Boeing được đánh giá là đang chiếm ưu thế.

Hải quân Mỹ rất coi trọng việc nghiên cứu máy bay không người lái. Trước đó, X-47B có triển vọng trở thành máy bay tấn công không người lái trên hạm thế hệ mới của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều lần thử nghiệm cho thấy ưu thế của nó so với máy bay có người lái chưa rõ ràng. Ngoài ra, chương trình X-47B còn có rất nhiều hạn chế.

Do trong tương lai quân đội Mỹ vẫn triển khai F-35 trên tàu chiến nên máy bay tiếp dầu không người lái sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Đây chính là lý do Mỹ triển khai dự án MQ-25.

Vũ khí khiến 'sát thủ tàu sân bay' của Trung Quốc trở nên vô dụng - 2
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc. Ảnh: Sina

Theo quân đội Mỹ, dự án MQ-25 được tạo ra chuyên để đối phó với chiến lược A2/AD của Trung Quốc, vì hai loại tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26 (với tầm bắn lần lượt là 1.500km và 3.500km) đều có khả năng tấn công tàu sân bay.

Điều này có nghĩa tàu sân bay chỉ cần ở vị trí cách lãnh thổ Trung Quốc 3.000km đã không còn an toàn.

Nếu duy trì khoảng cách trên 3.000km thì tàu sân bay sẽ mất đi phần lớn khả năng tác chiến, vì bán kính chiến đấu của các loại máy bay trên tàu (như F/A-18 hay F-35) còn hạn chế.

Nhưng quân đội Mỹ có một cách khác. Nếu sử dụng máy bay tiếp dầu không người lái MQ-25, tình cảnh bất lợi này sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo trang mạng tiếng Trung toutiao.com, đây cũng lời nhắc nhở đối với Trung Quốc rằng họ cần phải nghiên cứu các biện pháp đối phó với máy bay tiếp dầu không người lái mới của Mỹ.

Một khi dự án MQ-25 hoàn thành, chiến đấu cơ F/A-18 và F-35 sau khi cất cánh từ tàu sân bay, có thể bay liên tục 2.000 - 3.000 km. Sau khi thực hiện nhiệm vụ tấn công xong, chúng lại bay về. Trong quá trình bay, chúng có thể tiến hành tiếp nhiên liệu nhiều lần từ máy bay MQ-25.

Bằng cách này, tàu sân bay Mỹ có thể hoạt động ngoài phạm vi tấn công của tên lửa DF-21D và DF-26 Trung Quốc, vừa đảm bảo sự an toàn, vừa khiến tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc bị vô hiệu hóa khả năng tấn công.

Theo Khang Minh (Soha/Thời Đại)