Thế giới

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngừng sử dụng trạm khí tượng ở Trường Sa

Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc mở ba trạm khí tượng trên đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông là hoạt động trái phép và cần phải chấm dứt.

"Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc được xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động trên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo chiều nay.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ngừng sử dụng trạm khí tượng ở Trường Sa
Các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP.

Trung Quốc trước đó đã triển khai ba trạm khí tượng trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông, bao gồm đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các trạm bao gồm thiết bị lắp đặt cơ bản và theo dõi khí quyển, cũng như các radar thời tiết để liên tục giám sát những chỉ số khí tượng.

Các trạm khí tượng được cho là nhằm phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố chúng chủ yếu được sử dụng để "đảm bảo an toàn hàng hải" ở Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm thỏa thuận Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", bà Hằng cho biết thêm.

Khi được hỏi về việc một công ty Czech đặt tên gọi "Tam Sa" cho quần đảo Hoàng Sa trong ứng dụng dự báo thời tiết, bà Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử lý việc này.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012, và xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo này. 

Bắc Kinh trong những năm gần đây tăng cường việc cải tạo trên quy mô lớn và xây dựng công trình tại các đảo nhân tạo phi pháp, bao gồm sân bay, bến tàu, hải đăng, các trạm viễn thông và năng lượng mặt trời, thậm chí cả sân chơi thể thao. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 8 biện bạch rằng họ quân sự hóa Biển Đông nhằm đối phó với "một số quốc gia", ám chỉ Mỹ.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)