Thế giới

Việt Nam là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới của Israel năm 2017

Với tổng giá trị giao dịch đạt 142 triệu USD, năm 2017 Israel đã trở thành nhà cung cấp vũ trang lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nga.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới của Israel năm 2017
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Chủ tịch Tập đoàn IMI đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Ảnh: QĐND

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2017, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu vũ lớn nhất của Israel với giá trị giao dịch đạt 715 triệu USD. Tuy có chút giảm nhẹ so với con số 767 triệu USD của năm 2016 nhưng tính tổng thể, xuất khẩu vũ khí của Israel sang Ấn Độ vẫn tăng tới 650% trong thập kỷ vừa qua.

Israel trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ xếp sau Nga - quốc gia đã bán cho New Delhi số vũ khí trị giá 1,9 tỷ USD năm 2017.

Theo số liệu thống kê của SIPRI, Việt Nam là khách hàng lớn thứ hai của Israel với giá trị giao dịch đạt 142 triệu USD trong năm 2017. Con số này cũng đưa Israel trở thành nhà cung cấp vũ trang lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nga.

Azerbaijan – quốc gia Hồi Giáo giáp biên giới với Iran là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Israel, đã mua 137 triệu USD năm 2017. Tuy có giảm nhẹ một chút so với mức 248 triệu USD của năm 2016 nhưng Israel vẫn là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Azerbaijan.

SIPRI xếp Israel là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới với tổng giá trị giao dịch đạt 1,26 tỷ USD năm 2017, đứng sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức.

Dữ liệu cập nhật của SIPRI cũng xếp Israel ở vị trí thứ 18 trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới với mức chi tiêu 528 triệu năm ngoái, 97,5% nhập khẩu từ Mỹ, số còn lại là từ Đức. Suốt thập kỷ vừa qua, Israel cũng chỉ nhập khẩu vũ khí từ Mỹ, Đức, Italy và Canada.

Số liệu của SIPRI cũng cho thấy một số xu hướng nổi bật trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Israel cho các nước châu Á năm 2017 như:

- Lần đầu tiên trong năm 2017, Philippines nổi lên là một thị trường lớn của Israel khi chi ra 21 triệu USD để mua radar và các hệ thống chống tăng.

- Năm 2017, Israel đã bán lượng vũ khí (tàu tuần tra Dvora) trị giá 11 triệu USD cho Myanmar. Giao dịch của Jerusalem chiếm 6,5% chi tiêu mua sắm vũ trang của Myanmar, xếp sau các nước chiếm tỉ trọng rất lớn như Trung Quốc, Nga, Ukraine và Hà Lan.

- Các hợp đồng giao dịch vũ khí của Israel với hai nước châu Á khác là Singapore và Hàn Quốc đã sụt giảm lớn trong năm 2017.

Nếu như năm 2016, Hàn Quốc đã bỏ ra 52 triệu USD để mua trang thiết bị quân sự của Israel thì sang năm 2017 không có bất cứ hoạt động mua bán nào được thực hiện. Trong khi đó, số lượng vũ khí Israel bán cho Singapore cũng giảm từ 43 triệu USD năm 2016 xuống chỉ còn 2 triệu USD năm 2017.

Theo Trung Phạm (Soha/Thời Đại)