Thế giới

Việt, Mỹ bắt tay - yếu tố quan trọng trên bàn cờ châu Á

Với chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hợp tác giữa hai nước cựu thù đang mở ra nhiều triển vọng, thậm chí được cho là có thể tác động tới bàn cờ ở châu Á.

Với chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hợp tác giữa hai nước cựu thù đang mở ra nhiều triển vọng, thậm chí được cho là có thể tác động tới bàn cờ ở châu Á.

Từ ngày 6/7 đến 10/7, Tổng bí thư đảng của Việt Nam đã hội đàm và họp báo với ông Obama tại Nhà Trắng, gặp gỡ Phó tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ John McCain, người có nhiều đóng góp cho hợp tác Việt - Mỹ, gặp các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa, đại diện Thương mại Michael Froman.
 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội đàm dài hơn dự kiến đến hơn 30 phút tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Từ bỏ nghi kỵ

Điều quan trọng hơn cả giữa Việt Nam và Mỹ là hai nước đã từng bước vượt qua nghi kỵ, bất đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đánh giá.

"Từ chỗ ban đầu chỉ có duy nhất một cơ chế đối thoại về tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), đến nay, hai nước đã thiết lập được  những cơ chế rất quan trọng như Đối thoại thường kỳ cấp Bộ trưởng, Đối thoại Chính trị - an ninh - quốc phòng, Đối thoại về chính sách quốc phòng, Đối thoại về châu Á - Thái Bình Dương, Đối thoại nhân quyền", ông Minh viết trong bài đăng trên hãng thông tấn quốc gia.

Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về tình hình Biển Đông, ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đơn phương làm phức tạp tình hình. Động thái này nhận được sự quan tâm của các nhà phân tích và báo giới quốc  tế.

Tiến sĩ Vuving Alexander Vuving, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, cho rằng an ninh - quốc phòng bao giờ cũng là những vấn đề thuộc về lợi ích cốt lõi của một quốc gia. Do đó hợp tác trong lĩnh vực này có đóng góp rất lớn vào việc xây dựng lòng tin và giá trị chiến lược trong quan hệ Việt - Mỹ.

"Lợi ích an ninh, quốc phòng của Việt Nam và Mỹ đã có sự trùng lặp ở những mảng lớn. Hai nước chia sẻ tầm nhìn khá giống nhau về thế cân bằng quyền lực nên có ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông", ông Vuving nói trong trao đổi với chúng tôi.

Tuyên bố tầm nhìn chung mà ông Trọng và Tổng thống Mỹ Obama ký kết sau hội đàm cho thấy hợp tác quốc phòng, kinh tế, nhân quyền và hợp tác giáo dục là những trọng tâm hợp tác của Việt Nam và Mỹ.

"Ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Mỹ của ông Trọng không chỉ nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên Nhà Trắng tiếp đón một tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn đánh dấu mốc hoàn thành quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mở ra chân trời mới cho hợp tác nhiều mặt ở tầm nhìn lâu dài", Vuving nhận xét.

Nhà nghiên cứu này cho rằng Việt Nam và Mỹ đều có nhu cầu tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh. Do đó cả hai bên sẽ tiến xa hơn nữa về hợp tác trong tương lai. Chuyến thăm này, cộng với tuyên bố về Tầm nhìn chung, đã tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho hai nước đi xa hơn trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Hợp tác Việt - Mỹ là một nhân tố quan trọng trong an ninh khu vực, theo Vuving. Nếu hai nước hợp tác ở mức độ vừa phải thì có thể không ảnh hưởng nhiều đến cán cân lực lượng. Nhưng nếu sự hợp tác Việt - Mỹ đạt đến một mức độ nhất định, nó sẽ có tác dụng thay đổi bàn cờ khu vực.

"Mức độ hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ chưa đủ để thay đổi hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Để có thể giải quyết vấn đề tranh chấp trong hòa bình, Việt Nam và Mỹ còn phải có những nước cờ đặc sắc hơn", ông Vuvinh đánh giá.
 

Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh với Tổng bí thư rằng Mỹ muốn tăng hợp tác an ninh - quốc phòng với Việt Nam.

Khuếch đại tiếng nói qua TPP

Hợp tác kinh tế thương mại thông qua Hiệp định xuyên Thái bình dương (TPP) là một trong các nội dung chính của hội đàm Nguyễn Phú Trọng - Obama. Thương mại song phương đã tăng tới 90 lần kể từ khi hai nước bình thường hóa. Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để lọt vào danh sách 10 nước xuất siêu hàng đầu vào thị trường có sức mua lớn nhất thế giới.

Trong 5 năm qua, Mỹ đã vươn từ vị trí thứ 11 trở thành nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 11 tỷ USD. Một số tập đoàn lớn của Mỹ đã và đang có kế hoạch đặt "đại bản doanh" tại Việt Nam, mở ra triển vọng đưa Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam như mục tiêu mà Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã đề ra.

"Dự kiến sau khi TPP được ký kết và có hiệu lực, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn bùng nổ hơn nữa", Bộ trưởng Phạm Bình Minh dự đoán.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng mối quan hệ giữa hai nước được xây dựng như một đối tác về kinh tế, với việc thúc đẩy hoàn tất TPP, nhưng thực ra ý nghĩa của hiệp định lớn hơn nhiều. Matt Salmon, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong chuyến thăm hồi tháng 5, nói rằng việc Việt Nam tham gia cùng Mỹ và 10 nước khác sẽ giúp tiếng nói của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được khuếch đại hơn nhiều lần.

"TPP không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà sẽ còn có ý nghĩa về mặt địa chính trị. Như chúng ta biết hiện nay đang có những mối quan ngại về Biển Đông, quan hệ trong TPP cũng quan trọng không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ", ông Salmon nói.

Lịch sử đầy thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là những bước tiến mạnh mẽ trong 20 năm qua chứng minh rằng Việt Nam và Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác bình đẳng, đối thoại thay cho đối đầu.

"Đó chính là con đường duy nhất để vượt qua quá khứ, cùng chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi dân tộc cũng như đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", ông Minh nói.
 
Theo Việt Anh (VnExpress.net)