Thế giới

Vì sao Triều Tiên bỗng im ắng trước cuộc đại công du của Trump

Bình Nhưỡng không phóng tên lửa nào hơn 6 tuần qua, một khoảng lặng dài bất ngờ của nước này trong bối cảnh Tổng thống Trump sắp công du châu Á để thảo luận tình hình Triều Tiên.

Đài CNN mới đây thống kê những lần phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm 2017 cho thấy một lịch trình “dày đặc”: 22 tên lửa được phóng trong 15 vụ thử nghiệm kể từ 12/2. Lần gần nhất nước này phóng tên lửa Hwasong-12 vào ngày 15/9.

Đài này rút ra một kết luận đáng chú ý: Triều Tiên đã không tiến hành vụ phóng tên lửa nào trong 6 tuần qua, một khoảng thời gian “im ắng” dài kỷ lục của Bình Nhưỡng đối với chính quyền Trump. Liệu những nỗ lực ngoại giao đã hiệu quả? Hay ông Kim Jong Un đang dành những kế hoạch bất ngờ nào cho Tổng thống Trump khi ông đến châu Á?

Vì sao Triều Tiên bỗng im ắng trước cuộc đại công du của Trump
Triều Tiên đã phóng 22 tên lửa từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đầu năm nay, một tần suất dày đặc so với những chính quyền trước của Mỹ. Ảnh: DailyStar.

Nhân tố bí ẩn Triều Tiên

Sự phát triển của chương trình vũ khí Triều Tiên chắc chắn là vấn đề nổi bật nhất trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump với chuyến công du châu Á 12 ngày, cũng là chuyến đi dài ngày nhất trong gần một năm nhiệm kỳ của ông.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump được cho là sẽ trấn an các đồng minh về cam kết bảo vệ của Mỹ. Khi đến Trung Quốc, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đề nghị Bắc Kinh tiếp tục gia tăng áp lực và đóng góp nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên.

Trước chuyến đi của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng đã có chuyến công tác “tiền trạm” đến châu Á. Đứng tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới Hàn - Triều, trước sự canh chừng của những binh sĩ Triều Tiên, ông Mattis gửi thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng: “Mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh, mà là việc phi hạt nhân hoá toàn diện và không thể đảo ngược ở bán đảo Triều Tiên”.

Ông Mattis cùng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong Moo khẳng định hai bên “cam kết tìm kiếm giải pháp ngoại giao để đáp lại các hành động khiêu khích phi pháp của Triều Tiên”.

Tuy nhiên, sự chú ý của thế giới sẽ đổ dồn vào bài phát biểu của ông Trump trước quốc hội Hàn Quốc vào tuần tới. Seoul rất trông đợi tổng thống Mỹ sẽ thể hiện một lập trường rõ ràng, chắc chắn hơn.

Vì sao Triều Tiên bỗng im ắng trước cuộc đại công du của Trump - 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định "không mong muốn chiến tranh" khi đứng ở khu vực phi quân sự tại biên giới Hàn - Triều

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia chỉ ra sự đối lập trong cách xử lý vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Trump và nội các của ông: “Trong khi Tổng thống Trump liên tục đưa ra các đe doạ quân sự như ‘lửa và cuồng nộ’ thì Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói nhiều hơn về biện pháp ngoại giao”.

Khi công du châu Á, ông Thayer cho rằng Tổng thống Trump sẽ trấn an phía Hàn Quốc và Nhật Bản rằng nếu họ bị Triều Tiên tấn công thì chắc chắn Mỹ sẽ tuân thủ những cam kết bảo vệ đồng minh. “Tuy nhiên, hệ luỵ là sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh giới hạn, hay thậm chí là chiến tranh hạt nhân”.

Vì sao Triều Tiên bỗng im ắng trước cuộc đại công du của Trump - 2
Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia).

Vị chuyên gia quốc phòng châu Á này dự đoán Tổng thống Trump có thể sẽ không đề cập nhiều đến chiêu bài ngoại giao, vì như vậy là thể hiện một quan điểm yếu đuối đối với người có tính cách như ông.

Do vậy, “ông Trump sẽ nhấn mạnh rằng Triều Tiên buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân vì những sức ép từ bên ngoài”, ông Thayer nói.

Chiến thuật bên miệng hố chiến tranh?

Tuy không phóng quả tên lửa nào, Triều Tiên không hoàn toàn là bất động trong những ngày qua, khi chính quyền Trump đang tất bật chuẩn bị cho chuyến công du châu Á đầu tiên.

Cuối tuần qua, hãng NK News cho biết Triều Tiên tiến hành nhiều cuộc diễn tập sơ tán hàng loạt, và diễn tập xử lý tình huống cúp điện, khi xung đột xảy ra. Những sự kiện này diễn ra ở các thành phố loại hai, chủ yếu nằm ở bờ phía đông, chứ không phải ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Song song đó, Reuters cho biết Triều Tiên tích cực sử dụng bóng bay để rải truyền đơn đến Hàn Quốc, trong đó gồm nhiều thông điệp xúc phạm cá nhân với Tổng thống Trump.

Báo McClatchy dẫn “những nguồn tin chuyên gia” để cảnh báo rằng Triều Tiên có thể sẽ phóng tên lửa vào đúng thời điểm Tổng thống Trump đang ở châu Á, có thể là tại Hàn Quốc hay Trung Quốc. Việc này sẽ trở thành một diễn biến rất lớn và tổng thống Mỹ buộc phải ra quyết định, phản ứng ngay lập tức.

Giáo sư Carl Thayer lưu ý với Zing.vn rằng Triều Tiên vốn rất giỏi sử dụng chiến thuận “bên miệng hố chiến tranh”, từ các hoạt động khiêu khích và đẩy tình hình leo thang.

“Triều Tiên có thể sẽ phát động một cuộc công kích truyền thông ồ ạt để chỉ trích tổng thống Mỹ, cũng như đe doạ sử dụng mọi biện pháp có thể. Tôi nghĩ rằng chuyến đi dịp này của Tổng thống Trump sẽ là cớ để chính quyền Bình Nhưỡng củng cố niềm tin là Mỹ chỉ muốn gây hại cho Triều Tiên, và vũ khí hạt nhân chính là cách duy nhất để họ tự bảo vệ”, ông Thayer nói.

2/3 phản ứng, 1/3 chủ động

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về nhận định chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sau gần một năm giữ chức, Giáo sư Carl Thayer đúc kết: 2/3 mang tính phản ứng và 1/3 thể hiện sự chủ động.

Vì sao Triều Tiên bỗng im ắng trước cuộc đại công du của Trump - 3
Tổng thống Trump thăm 5 nước châu Á trong 12 ngày, cũng là chuyến đi dài nhất trong gần một năm nhiệm kỳ của ông. Đồ hoạ: Hiền Đức.

“Ông Trump buộc phải chú ý đến hai vấn đề lớn. Một là tình hình Trung Đông với cuộc nội chiến Syria, cuộc chiến chống phiến quân IS, phản đối Iran. Và hai là mối đe doạ hạt nhân và chương trình vũ khí Triều Tiên. Đến nay, những chính sách của ông chủ yếu là phản ứng theo tình hình chứ không có một chiến lược tổng thể rõ ràng”, ông Thayer nói.

“1/3 chủ động” còn lại nằm ở việc ông Trump kiên quyết thúc đẩy thương mại song phương “tự do và công bằng”, bao gồm việc rút Mỹ khỏi TPP, đàm phán lại hiệp định thương mại tự do NAFTA với Canada và Mexico, gây sức ép với Trung Quốc về kinh tế…

Trong chính sách với châu Á, Giáo sư Thayer nói tình hình tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ không được Trump coi trọng như vấn đề Triều Tiên, nếu Trung Quốc không có những hành vi khiêu khích đáng kể nào. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng Tổng thống Trump thực sự đã thông qua “kế hoạch tuần tra tự do hàng hải tích cực chủ động hơn” trên Biển Đông.

Theo Cảnh Toàn (Tri Thức Trực Tuyến)