Thế giới

Vì sao ông Kim Jong-un dùng tàu hỏa để đi thăm Trung Quốc thay vì chuyên cơ?

Nhiều người thắc mắc về lựa chọn công du bằng tàu hỏa của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bởi những hạn chế về tốc độ của phương tiện này so với máy bay.

Vì sao ông Kim Jong-un dùng tàu hỏa để đi thăm Trung Quốc thay vì chuyên cơ?
Chiếc tàu bọc thép "bí ẩn" của Triều Tiên. Ảnh: Reuters/Jason Lee.

Trong những năm gần đây, chiếc chuyên cơ mang số hiệu IL-62M VVIP đã được nâng cấp với đầy đủ tiện nghi để đáp ứng nhu cầu công du nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao Triều Tiên. Ngay cả em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong cũng sử dụng chuyên cơ này trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua.

Thậm chí, nếu ông Kim không sử dụng chiếc IL-62M VVIP, thì ông vẫn có thể chọn chiếc An-148, hoặc chính quyền Bắc Kinh có thể phái chuyên cơ đến đón phái đoàn cấp cao Triều Tiên.

Tuy nhiên ông Kim Jong Un lại lựa chọn tàu hỏa. Rõ ràng đây là loại phương tiện có tốc độ chậm hơn nhiều và có nhiều hạn chế so với máy bay. Vì lí do đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Vì sao ông Kim Jong-un lại chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển trong chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc?

Vì sao ông Kim Jong-un dùng tàu hỏa để đi thăm Trung Quốc thay vì chuyên cơ? - 1
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Ảnh: Deutsche Presse Agentur/Nation Multimedia.

Chứng sợ máy bay...

Theo một bài báo được đăng tải trên trang Chosun, ông Kim Nhật Thành và ông Kim Il-sung bắt đầu mắc chứng sợ máy bay từ năm 1982, sau khi chứng kiến một vụ nổ máy bay kinh hoàng ngay giữa không trung.

Vụ việc đó đã khiến cha con ông Kim Nhật Thành ám ảnh, và kể từ đó hai ông luôn từ chối bước lên bất cứ chiếc chuyên cơ nào do phi công Triều Tiên lái.

Năm 1984, ông Kim Nhật Thành từng đến thăm Liên Xô và Đông Âu bằng tàu hỏa, và ông đã phải mất hơn một tháng trời để hoàn thành chuyến đi xa hàng ngàn cây số này. Tuy nhiên, năm 1986, ông đã phải sử dụng máy bay Liên Xô để thực hiện chuyến thăm theo lời mời của cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev, do không còn lựa chọn nào khác.

Vì sao ông Kim Jong-un dùng tàu hỏa để đi thăm Trung Quốc thay vì chuyên cơ? - 2
Ảnh: Chosun Ilbo.

Giống như người cha, ông Kim Jong-il cũng chỉ di chuyển bằng một chiếc tàu bọc thép đặc biệt sang trọng và được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Ông đã di chuyển bằng tàu hỏa trong tất cả các chuyến thăm nước ngoài, bao gồm thủ đô Moskva của Nga năm 2001, thành phố Ulan-Ude của Siberia, và 3 thành phố Bắc Kinh - Nam Kinh - Thượng Hải của Trung Quốc hồi năm 2011.

Hay tôn trọng truyền thống?

Trái với những người tiền nhiệm, lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un không hề có nỗi sợ máy bay. Có thể nói ông Kim đặc biệt ưa thích loại phương tiện này. 

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), trước đây trong chiến tranh Triều Tiên, lãnh tụ Kim Nhật Thành từng sử dụng toa tàu làm trụ sở chỉ huy, do đó tàu hỏa đã trở thành phương tiện truyền thống được các hậu duệ nhà họ Kim ưa thích.

Còn theo ông Scott A. Snyder, phụ trách nghiên cứu về hai miền Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, việc ông Kim sử dụng tàu hỏa để di chuyển đến Trung Quốc là biểu hiện cho tinh thần trọng truyền thống.

Đảm bảo an ninh

Bên cạnh truyền thống, còn một lý do quan trọng đằng sau lựa chọn của ông Kim Jong-un: Vấn đề an ninh. Một số nguồn tin cho rằng, lãnh đạo Triều Tiên đánh giá cao sự an toàn của tàu hỏa, và cho rằng nó khó bị khủng bố hơn máy bay.

Chiếc tàu bọc thép này gần như không được sử dụng trong 7 năm qua, kể từ chuyến thăm Tổng thống Dmitry Medvedev tại thủ đô Moskva của cố lãnh đạo Kim Jong-il hồi năm 2011. Tuy nhiên nó lại là lựa chọn hoàn hảo nếu xét về độ an toàn

Tờ Chosun Ilbo cho biết con tàu của lãnh đạo Triều Tiên giống như một pháo đài kiên cố được phòng thủ tuyệt đối, với hai chiếc tàu trinh sát luôn đi kèm để đảm bảo an ninh. Tàu đi với tốc độ khoảng 60 km/h, khá chậm so với các loại tàu dân sự.

Ngoài ra, trước khi tàu khởi hành, khoảng 100 đặc vụ Triều Tiên sẽ đến ga tàu rà soát bom mìn, và các máy bay quân sự, máy bay vận tải cùng trực thăng luôn túc trực 24/24 tại các sân bay lân cận để hỗ trợ cho đoàn tàu chở phái đoàn cấp cao.

Theo Hồng Anh (Soha/Thời Đại)