Thế giới

Vì sao nơi cất giữ 'trái tim' của tàu ngầm hạt nhân Nga khiến toàn châu Âu khiếp đảm?

Trong nhiều năm, bãi lưu trữ khoang chứa lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm Nga được biết đến là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, khiến toàn bộ Châu Âu lo sợ.

Di sản thời Chiến tranh Lạnh

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga thừa hưởng một lượng lớn vũ khí hạt nhân, như máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các tàu ngầm hạt nhân. Để giảm bớt mối đe dọa hạt nhân đối với thế giới, Nga và Mỹ đã tiến hành một vài chương trình nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình.

Vì sao nơi cất giữ 'trái tim' của tàu ngầm hạt nhân Nga khiến toàn châu Âu khiếp đảm?
Một tàu ngầm Liên Xô được đưa đi tháo dỡ. Ảnh: Sputnik

Một trong số đó là chương trình "Hợp tác giảm thiểu mối đe dọa" (Cooperative threat reduction- CTR), trong đó, Mỹ cung cấp cho Nga nguồn tài chính, chuyên gia và các thiết bị cần thiết để đảm bảo quá trình phi quân sự hóa hạt nhân được tiến hành một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác tháo dỡ tàu ngầm hạt nhân không hề dễ dàng. Ngoài nhiên liệu và chất thải phóng xạ thì lò phản ứng hạt nhân - bộ phận được ví như trái tim của tàu ngầm - cũng cần được tháo dỡ một cách cẩn trọng.

Trái tim của tàu ngầm

Theo tờ Russia Beyond the Headlines, do có nguy cơ rò rỉ phóng xạ nên lò phản ứng không thể vứt bỏ theo cách đơn thuần. Nó thường được tháo dỡ cùng với khoang chứa lò phản ứng trên tàu ngầm. Khoang chứa này sẽ đóng vai trò như một container ngăn chặn hoạt động phóng xạ vẫn còn lưu lại phần nào trên lò phản ứng.

Sau khi được cắt ra khỏi tàu ngầm, khoang chứa lò phản ứng được vận chuyển tới một bãi lưu trữ đặc biệt. Nó sẽ được lưu trữ tại đây trong ít nhất 70 năm bởi sau khoảng thời gian này, mức phóng xạ mới xuống đủ thấp để cho phép tiếp tục tháo dỡ.

Bãi lưu trữ khoang chứa lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Nga nằm bên ngoài Vòng Cực, tại một vịnh gần làng Sayda Guba, vùng Murmansk. Năm 1990, khu này được chuyển giao cho Hạm đội phương Bắc và sau đó dùng để lưu trữ các khoang chứa lò phản ứng hạt nhân đã được tháo dỡ từ các tàu ngầm "về hưu".

Quy trình cắt khoang chứa trên tàu ngầm được tiến hành tại các nhà máy đặc biệt, sau đó chúng được vận chuyển tới vịnh gần Sayda Guba để lưu trữ.

Vì sao nơi cất giữ 'trái tim' của tàu ngầm hạt nhân Nga khiến toàn châu Âu khiếp đảm? - 1
Trên tàu ngầm hạt nhân chứa đầy những thanh nhiên liệu hạt nhân, vật liệu bị nhiễm xạ cực kỳ nguy hại và rất khó để xử lý. Ảnh: RBTH

Một trong những nơi nguy hiểm nhất Trái Đất

Vấn đề là không có nơi nào được thiết kế đặc biệt để có thể lưu trữ một cách an toàn các khoang chứa lò phản ứng nguy hiểm này. Chúng chỉ được đưa đến vịnh và sau đó trôi nổi xung quanh các bến tàu.

Theo kế hoạch ban đầu, khu lưu trữ khoang chứa lò phản ứng hạt nhân sẽ được xây dựng trong vòng 1 thập kỷ. Tuy nhiên, cho tới năm 2003, vẫn chưa có khu lưu trữ nào được xây dựng và thậm chí cũng chưa có kế hoạch xây dựng cụ thể. Trong khi đó, số lượng khoang chứa lò phản ứng tại vịnh đã vượt qua con số 50.

Các quốc gia châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, điều kiện nghèo nàn, không đáp ứng tiêu chuẩn của bãi lưu trữ tại Sayda Guba sẽ không chỉ gây tổn hại tới môi trường Bắc Cực, mà có thể dẫn tới một thảm họa hạt nhân ở Bắc Âu.

Vì sao nơi cất giữ 'trái tim' của tàu ngầm hạt nhân Nga khiến toàn châu Âu khiếp đảm? - 2
Bãi lưu trữ khoang chứa lò phản ứng hạt nhân của Nga tại Sayda Guba. Ảnh: Google Earth

Từ lời nói đến hành động

Đầu những năm 2000, châu Âu và Nga đã hợp tác để giảm thiểu mối đe dọa tiềm ẩn tại Sayda Guba. Năm 2003, Bộ Năng lượng nguyên tử Nga và Bộ Kinh tế - Lao động liên bang Đức đã ký thỏa thuận xây dựng một khu lưu trữ ven biển dành cho các khoang chứa lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân.

Đức đầu tư hơn 700 triệu USD vào dự án này trong suốt 15 năm. Berlin còn cung cấp cho Nga các chuyên gia và công nghệ cần thiết.

Tới năm 2017, khu lưu trữ trên bộ dành cho 155 khoang chứa lò phản ứng hạt nhân đã được xây dựng. Hiện một cơ sở làm sạch và sơn sửa cũng được thiết lập để duy trì bề mặt chống ăn mòn của các khoang chứa lò phản ứng. Công đoạn quan trọng này cần được thực hiện 10 năm một lần, trong vòng 70 năm.

Không chỉ có vậy, tại Sayda Guba giờ đây còn có hệ thống đường sắt, các bến tàu mới và cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ công nhân tại đây. Môi trường sinh thái trong khu vực cũng được cải thiện đáng kể.

Thống đốc vùng Murmansk Marina Kovtun đã gọi dự án Sayda Guba hợp tác giữa Nga-Đức là một ví dụ độc đáo về hợp tác quốc tế trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nó có ý nghĩa lớn không chỉ đối với khu vực Murmansk, mà toàn nước Nga.

"Nếu không có sự hỗ trợ của Đức, dự án quy mô lớn tại Sayda Guba sẽ kéo dài hơn nhiều" - bà Kovtun nói.

Theo QS (Soha/Trí Thức Trẻ)