Thế giới

Vì sao Mỹ cứng rắn vụ bà Mạnh?

Số phận bà Mạnh ảnh hưởng vô cùng lớn đến quan hệ giữa Mỹ và TQ.

Chuyện Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt đang khiến quan hệ giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ nóng lên. Bộ Ngoại giao TQ ngày 9-12 triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad phản đối việc Canada bắt bà Mạnh theo “yêu cầu vô lý của Mỹ”, theo Tân Hoa xã. Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lạc Ngọc Thành tuyên bố “điều Mỹ làm vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân TQ”. Ông Lạc yêu cầu Canada và Mỹ thả ngay bà Mạnh, đồng thời cảnh cáo “sẽ phản ứng phù hợp với hành động của Mỹ”. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu bà Mạnh có chuyện gì thì quan hệ giữa Mỹ và TQ sẽ bị ảnh hưởng vô cùng lớn.

Mỹ chắc chắn lường trước chuyện này nhưng tại sao vẫn mạnh tay với bà Mạnh? Hoàn Cầu Nhật báo (TQ) cho rằng Mỹ viện tới hành động này vì không thể ngăn đà thắng thế kinh doanh của Huawei trên thị trường Mỹ. Trong khi đó CNN dẫn nhận định các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) rằng điều này có liên quan đến sự cạnh tranh công nghệ và địa chính trị hai nước.

Cuộc chiến an ninh và công nghệ

Từ lâu các cơ quan tình báo Mỹ đã lo ngại các công ty công nghệ TQ sẽ giúp nước này do thám Mỹ. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ kết luận hai tập đoàn Huawei và ZTE là phương tiện để các cơ quan tình báo, quân sự TQ do thám hoạt động chính phủ Mỹ. Chưa hết, Huawei, ZTE có thể cài phần mềm, chương trình vào điện thoại, hệ thống viễn thông để gây hại hệ thống an ninh viễn thông Mỹ. Từ tháng 2-2018 tình báo Mỹ công khai cảnh báo người dân tránh dùng điện thoại, công nghệ của Huawei, ZTE để tránh rủi ro bị do thám.

Huawei luôn bác bỏ mình làm việc cho chính phủ TQ dù chính phủ nước này đầu tư vào tập đoàn này hàng chục tỉ USD. Ngoài ra còn có một điều khiến người ta không thể không chú ý là ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập Huawei và là cha bà Mạnh - trước đây là kỹ sư quân đội TQ.

Vì sao Mỹ cứng rắn vụ bà Mạnh?
Bà Mạnh Vãn Châu (phải) và cha là người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (giữa) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái).

Trước khi bắt bà Mạnh, không chỉ hạn chế hoạt động Huawei ở thị trường mình, Mỹ mở chiến dịch toàn cầu khuyến khích các đồng minh khắp Âu, Á tẩy chay Huawei. Anh, Úc, New Zealand đã loại Huawei ra khỏi dự án xây dựng mạng 5G ở nước mình. Canada đang bị Mỹ cảnh cáo có thể sẽ bị hạn chế hợp tác tình báo nếu cho phép Huawei mở dự án mạng 5G tại nước mình. Có thông tin Nhật khả năng trong tuần này sẽ ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng sản phẩm, công nghệ Huawei.

Theo các nhà phân tích Eurasia Group, việc Mỹ nỗ lực cản trở hoạt động kinh doanh toàn cầu của Huawei là một phần cuộc xung đột về công nghệ giữa hai nước. Cả Mỹ và TQ đều muốn kiểm soát các công nghệ thế hệ mới như 5G, xe tự lái, trí tuệ nhân tạo… được cho có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia những thập niên tới. Mỹ đã ra các quy định kiểm soát xuất khẩu và đầu tư gây khó khăn hơn cho TQ sở hữu công nghệ Mỹ và nỗ lực này sẽ vẫn tiếp tục bất kể kết quả đàm phán thương mại sắp tới thế nào. Theo các nhà phân tích, có thể hình dung Mỹ đang xây các bức tường luật pháp quanh thung lũng Silicon cũng như các trung tâm công nghệ Mỹ.

“Nếu biết mình là mục tiêu của Mỹ trong trận chiến giành quyền bá chủ giữa Mỹ và TQ thì làm ơn đừng đổi chuyến bay ở Canada” - ông Roland Paris, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. 

Cạnh tranh địa chính trị

Một yếu tố nữa là sự cạnh tranh về địa chính trị. Theo các nhà phân tích Eurasia Group, chuyện Mỹ có nhiều hành động chưa có tiền lệ trước nay với TQ - như cố gắng dẫn độ bà Mạnh - cho thấy sự thay đổi lớn trong thái độ của Mỹ. Có thể nói Mỹ đã mất kiên nhẫn với kiểu ngoại giao hứa hẹn và im lặng của TQ, nước được Mỹ xem là đối thủ thách thức vị thế của mình.

Theo các nhà phân tích Eurasia Group, vụ bắt bà Mạnh sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình nối lại đàm phán thương mại hai nước, vì có quá nhiều thứ buộc cả hai bên phải khôi phục đàm phán. Tuy nhiên, các cạnh tranh về công nghệ và địa chính trị hai bên khả năng lớn sẽ phủ bóng đàm phán. Nói với NPR cuối tuần rồi, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nêu quan điểm là đàm phán không thể bỏ qua các vấn đề liên quan đến các tập đoàn công nghệ TQ.

Chưa biết hai bên sẽ vượt qua các tranh cãi về ăn cắp sở hữu trí tuệ, bảo hộ công nghiệp, cưỡng ép chuyển giao công nghệ như thế nào. Nói với CBS ngày 9-12, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người được ông Trump chọn dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với TQ sắp tới, khẳng định Mỹ muốn TQ phải nhượng bộ các vấn đề này. Ông Lighthizer cũng nhắc lại quan điểm cứng rắn với TQ rằng nếu hai bên không thống nhất được “giải pháp thỏa đáng” trong 90 ngày, Mỹ sẽ tăng mức thuế suất từ 10% đánh lên 200 tỉ USD lên 25%.

Reuters dẫn hồ sơ tòa án Vancouver (Canada) cho biết bà Mạnh xin được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại trong thời gian chờ diễn ra phiên tòa quyết định dẫn độ sang Mỹ với lý do bị bệnh huyết áp cao. Phần mình, công tố viên John Gibb-Carsley muốn bà Mạnh phải bị giam không được bảo lãnh. Theo ông, bà Mạnh biết rõ về các cáo buộc của Mỹ với mình và đã tránh có mặt ở Mỹ từ vài tháng nay dù con trai bà đang học ở Mỹ. Ông Gibb-Carsley cho biết Huawei làm ăn với Iran qua một công ty Hong Kong có tên Skycom. Bà Mạnh đã lừa các ngân hàng Mỹ nghĩ rằng Huawei và Skycom là hai thực thể khác nhau trong khi thực tế “Skycom là Huawei”. Bà Mạnh thì nói rằng Huawei đã bán Skycom từ năm 2009. 

Theo Đăng Khoa (Pháp Luật TPHCM)