Thế giới

Vì sao F-16 phe đảo chính không bắn máy bay chở tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Phe đảo chính có thể đã lo sợ mất mặt vì bắn nhầm máy bay dân sự, thay vì chuyên cơ chở Tổng thống Erdogan.

Phe đảo chính có thể đã lo sợ mất mặt vì bắn nhầm máy bay dân sự, thay vì chuyên cơ chở Tổng thống Erdogan.

Tiêm kích F-16 và máy bay F-4 trong một cuộc tập trận của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Turkish Air Force

Theo Daily Beast, trong giây phút nghẹt thở của cuộc binh biến hôm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ, hai tiêm kích F-16 của phe đảo chính đã khóa radar vào máy bay Gulfstream chở Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Một tên lửa Sidewinder là tất cả những gì họ cần để bắn hạ máy bay và ám sát ông Erdogan.

Khi cuộc đảo chính nổ ra, ông Erdogan đang đi nghỉ dưỡng tại Marmaris, trên bờ biển Địa Trung Hải. Khi được một tướng trung thành báo tin, ông đã lên máy bay Gulfstream hai động cơ để tới Istanbul, cách đó hơn 600 km về phía bắc.

Thường xuyên được tiếp liệu từ máy bay KC-135, tiêm kích F-16 của phe đảo chính bắt đầu tìm kiếm chiếc Gulfstream bằng radar gắn trên mũi máy bay. "Lý do họ không bắn hạ là một điều bí ẩn", một cựu sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ am hiểu sự kiện ngày 15/7 nói với Reuters.

Có lẽ lời giải thích hợp lý nhất là chiếc Gulfstream đã ẩn mình thành máy bay dân sự. Tổ bay được cho là đã thay đổi loại tín hiệu dùng để xác định danh tính của máy bay. Chiếc Gulfstream đã lấy danh tính của THY 8456, một chuyến bay của hãng hàng không dân sự Turkish Airlines.

Phi công phe đảo chính không thể mạo hiểm tấn công một chiếc máy bay mà họ không chắc chắn về danh tính. "Nguy cơ bắn hạ một máy bay không phải chiếc chở tổng thống và mất uy tín có thể là yếu tố khiến F-16 đảo chính không bắn hạ máy bay Gulfstream", David Cenciotti, một chuyên gia hàng không người Italy tại trang The Aviationist, viết.

Ban đầu ông Erdogan không thể hạ cánh vì sân bay Ataturk của Istanbul bị phe đảo chính kiểm soát. Lực lượng trung thành với tổng thống nhanh chóng được huy động. Sân bay Istanbul được mở trở lại và máy bay của ông Erdogan hạ cánh an toàn.

Trả lời với CNN sau đó, tổng thống đưa ra lời kể hơi khác với các nguồn khác. Những nguồn khác nói rằng máy bay chở ông có lúc suýt va chạm với máy bay phe đảo chính trên không trung. Còn ông Erdogan mô tả máy bay phe nổi dậy bay ngay bên trên và gây ra tiếng nổ siêu thanh.

Vai trò của không quân

Trong cuộc đảo chính kéo dài 24 giờ, lực lượng phản chính phủ kiểm soát ít nhất 4 tiêm kích F-16, khoảng 4 máy bay tiếp liệu trên không KC-135, ít nhất hai trực thăng vận tải Blackhawk, ít nhất một trực thăng vũ trang Cobra, hai trực thăng cứu hộ AS532, khoảng 6 máy bay vận tải C-160 và C-130, cùng hai máy bay vận tải A400 khổng lồ 4 động cơ, được đưa vào biên chế không quân Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hai năm trước.

"Có vẻ như lực lượng không quân của phe đảo chính được tổ chức rất tốt", Arda Mevlutoglu, một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ chuyên về quân sự, nhận xét.

22h ngày 15/7, hai cặp tiêm kích F-16 cất cánh từ căn cứ không quân Akinci, phía bắc Ankara. Một người điều khiển không lưu thuộc phe đảo chính gọi điện cho đồng nghiệp tại sân bay Esenboga ở Ankara, bịa ra câu chuyện để lấp liếm âm mưu. F-16 sẽ bay ở độ cao lớn trên bầu trời Ankara và sẽ khó có thể phối hợp với kiểm soát không lưu địa phương, người thuộc phe đảo chính nói, theo Cenciotti.

Thay vào đó, những chiếc F-16 lại lượn với khoảng cách thấp ở Ankara và sử dụng hỏa lực.

Trực thăng chiến đấu Cobra và một chiếc Blackhawk cũng tham gia cuộc chiến, bắn vào một trụ sở cảnh sát, giết chết 47 người. Một máy bay còn tấn công trụ sở cảnh sát hàng không, gây thiệt hại và phá hủy nhiều phi cơ, theo Mevlutoglu. Tòa nhà quốc hội, trụ sở cơ quan tình báo, trung tâm điều khiển vệ tinh và dinh tổng thống cũng bị tấn công.

Khi cuộc đảo chính bắt đầu xoay về chiều có lợi cho quân chính phủ, những chiếc F-16 quân chính phủ đã bắn hạ một chiếc Cobra và một chiếc Blackhawk của phe làm phản. Ít nhất một chiếc F-16 của ông Erdogan đã chặn một chiếc KC-135 trên Kastamonu ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không bắn hạ nó, "có thể do nó đang bay trên khu dân cư", Cenciotti suy luận. Chiếc KC-135 rất dễ cháy vì mang nhiều nhiên liệu. Nếu rơi xuống Kastamonu, nó có thể giết rất nhiều người trên mặt đất.

Thay vào đó, lực lượng ủng hộ ông Erdogan cắt điện ở căn cứ không quân Incirlik, nơi các chiếc KC-135 xuất kích. Không quân Mỹ cũng đặt máy bay chiến đấu của họ tại căn cứ Incirlik để sử dụng trong chiến dịch không kích IS tại Iraq và Syria, và lưu trữ một số bom nguyên tử tại cơ sở này. Lực lượng Mỹ buộc phải chuyển sang dùng máy phát điện và đình chỉ hoạt động bay.

Khi cuộc đảo chính thất bại, 8 máy bay vận tải của phe đảo chính đã đưa hàng loạt vũ khí đến Malatya, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ để vũ trang cho lực lượng chống ông Erdogan. Nhưng ông Erdogan kêu gọi người ủng hộ đứng lên chống lại những người làm phản và họ đã nghe theo lời hiệu triệu. Hàng nghìn dân thường Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường chung sức với lực lượng trung thành với chính phủ.

Một số lãnh đạo cuộc đảo chính trốn sang Hy Lạp trên một chiếc trực thăng Blackhawk. Sau khi phe đảo chính đầu hàng, lực lượng của ông Erdogan bắt giữ khoảng 7.500 người.

Lực lượng chính phủ vẫn tiếp tục bảo vệ không phận sau khi cuộc binh biến chấm dứt. Một máy bay F-4 ném bom đường băng tại Akinci, nơi phe làm phản bố trí các tiêm kích F-16. Những chiếc F-16 của phe chính phủ, được hỗ trợ bởi một máy bay cảnh báo sớm E-7, tuần tra phía tây Ankara để chặn đối thủ trốn thoát bằng đường không.

Với 60.000 phi công và gần 700 máy bay, không quân Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lực lượng mạnh nhất ở châu Âu. Cuộc đảo chính thất bại và chiến dịch thanh trừng theo sau đó rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của nó. "Khả năng hoạt động sẽ bị giáng một đòn nghiêm trọng", Mevlutoglu nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)