Thế giới

Vì sao đa số người Triều Tiên đào tẩu là phụ nữ?

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết khoảng 70% trong số hơn 31.000 người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953) là phụ nữ và con số này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Vì sao đa số người Triều Tiên đào tẩu là phụ nữ?
13 nhân viên nhà hàng Triều Tiên từng làm việc tại Trung Quốc trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016 (Ảnh: Atimes)

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khoảng 70% trong số hơn 31.000 người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc kể từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953) là phụ nữ. Con số này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, chiếm khoảng 80% trong giai đoạn từ năm 2014-2016 và lên tới 85% tính riêng trong năm nay.

Con đường đào tẩu của người Triều Tiên thường bắt đầu bằng việc vượt qua khu vực biên giới với Trung Quốc, sau đó với sự giúp đỡ của những người môi giới, họ sẽ trốn sang các quốc gia Đông Nam Á như Lào hay Thái Lan trước khi đặt chân tới điểm đến cuối cùng là Hàn Quốc.

USA Today dẫn lời một số chuyên gia cho biết, một trong những lý do chính dẫn tới sự gia tăng đáng kể về số lượng phụ nữ Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc là ngành công nghiệp tình dục cũng như các cuộc hôn nhân sắp đặt giữa cô dâu Triều Tiên và chú rể Trung Quốc - nơi số lượng nam giới đông hơn phụ nữ 33 triệu người.

Theo Sokeel Park, giám đốc một tổ chức có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc - cơ quan chuyên giúp trợ giúp người tị nạn Triều Tiên lẩn trốn ở Trung Quốc, những phụ nữ Triều Tiên sau khi đào tẩu sẽ có cơ hội làm việc không chính thức trong các nhà hàng cũng như nhà máy ở Trung Quốc và có khả năng tránh khỏi sự giám sát. Nhiều người đã gửi tiền từ nước ngoài về cho gia đình ở Triều Tiên.

Theo bà Heather Barr, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc bộ phận quyền phụ nữ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phụ nữ có địa vị xã hội thấp hơn rất nhiều so với nam giới tại Triều Tiên. Những người phụ nữ tại Triều Tiên rất hiếm khi nắm giữ các vị trí trong cơ quan chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên chính họ lại là những nhân tố thay đổi tích cực của nền kinh tế thị trường không chính thức, vốn nổi lên từ sau thập niên 1990 khi nền kinh tế Triều Tiên gần như sụp đổ.

Bà Barr cho rằng động lực chính của nền kinh tế thị trường không chính thức tại Triều Tiên là những phụ nữ đã lập gia đình. Họ không được thể hiện vai trò thông qua các công việc trong chính phủ như nam giới, nhưng họ có môi trường để tham gia vào các công việc trong nền kinh tế. Theo nhà nghiên cứu Heather Barr, chính thực tế đó đã giúp phụ nữ Triều Tiên có nhiều cơ hội tiếp xúc với mạng lưới môi giới đào tẩu - những người có thể bày cách cho họ bỏ trốn sang Trung Quốc.

Ngoài ra, một lý do khác dẫn tới việc phụ nữ Triều Tiên đào tẩu ngày càng tăng là do khả năng tiếp cận nhiều hơn với các thông tin hấp dẫn về thế giới bên ngoài. Một thị trường chợ đen gồm các chương trình truyền hình và video của Hàn Quốc đã được tuồn lậu vào Triều Tiên thông qua các băng đĩa và ổ nhớ lưu động (USB). Trong khi đó, người Triều Tiên sống ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc đôi lúc cũng bắt được các tín hiệu tivi về các chương trình này.

Những chương trình truyền hình phổ biến “xâm nhập” vào Triều Tiên là các bộ phim lôi cuốn của Hàn Quốc, trong đó nhắm tới đối tượng khán giả nữ. Theo chuyên gia Park, một số người Triều Tiên đào tẩu cho biết họ bị hấp dẫn bởi sự tự do ngôn luận cũng như phong cách thời trang của các nhân vật trong các chương trình mà họ được xem. Ngoài ra, họ cũng ấn tượng với cách các nhân vật nữ trong phim được tôn trọng và đặt ở vị thế cao hơn.

“Lối sống của họ rất vô ưu và phóng khoáng. Nếu họ muốn làm gì đó, có có thể làm. Nếu họ muốn đi đến đâu đó, họ có thể đi. Tôi thấy cuộc sống ở đó tự do hơn ở Triều Tiên”, Yoon Ok, một phụ nữ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, chia sẻ với USA Today hồi tháng 9.

Siết chặt kiểm soát biên giới

Vì sao đa số người Triều Tiên đào tẩu là phụ nữ? - 1
Jeon Hye-sung - công dân Triều Tiên từng đào tẩu sang Hàn Quốc và trở lại quê hương hồi tháng 6 (Ảnh: Dailystar)

Hồi tháng 8, báo cáo của Triều Tiên gửi Ủy ban Liên Hợp Quốc về Chống phân biệt đối xử với phụ nữ cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2016, có tổng cộng 6.473 phụ nữ Triều Tiên đã quay về nước sau khi đi ra nước ngoài mà không có giấy phép thông hành hợp pháp. Theo hãng thông tấn Yonhap, đây chính là những phụ nữ đã đào tẩu khỏi Triều Tiên, sau đó bị bắt giữ và đưa về nước sau khi đào tẩu.

Báo cáo cho biết phần lớn những người phụ nữ này bị phát hiện vượt biên bất hợp pháp sang Trung Quốc do gặp khó khăn về kinh tế hoặc bị các nhóm buôn người dụ dỗ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định họ không phải chịu bất kỳ hình phạt pháp lý nào, thay vào đó vẫn được hưởng cuộc sống ổn định nhờ các chính sách khoan hồng của nhà nước Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã siết chặt việc giám sát người dân Triều Tiên kể từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Từ cuối năm 2015, Triều Tiên đã tăng cường kiểm soát khu vực biên giới và xây dựng các hàng rào bằng dây thép dọc theo sông Tumen, ngăn Triều Tiên và Trung Quốc, để hạn chế người Triều Tiên đào tẩu.

Theo thống kê của giới phân tích, số lượng người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2009, có 2.900 người Triều Tiên đào tẩu tại Hàn Quốc, sau đó con số này giảm xuống còn 1.400 người hồi năm ngoái và chỉ còn chưa đầy 1.200 người trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng lý do dẫn tới sự sụt giảm này có thể xuất phát từ các hoạt động tuần tra và chấp pháp tăng cường ở Triều Tiên và đặc biệt là ở Trung Quốc.

Tổ chức Giám sát nhân quyền ghi nhận 41 trường hợp người Triều Tiên đào tẩu bị bắt ở Trung Quốc hồi tháng 7 và tháng 8 năm nay, so với 51 người bị bắt trong 12 tháng trước đó. Trung Quốc không xếp người đào tẩu Triều Tiên vào nhóm người tị nạn mà coi họ là các đối tượng nhập cư trái pháp luật và trục xuất về nước.

Theo Thành Đạt (Dân Trí)