Thế giới

Vì đâu Hy Lạp chia rẽ quá nặng nề?

Sau nhiều năm sống nhờ vào tiền đi vay và trả giá bằng cảnh thắt lưng buộc bụng, người Hy Lạp đã bắt đầu đi bỏ phiếu về một thỏa thuận nợ quan trọng.

Sau nhiều năm sống nhờ vào tiền đi vay và trả giá bằng cảnh thắt lưng buộc bụng, người Hy Lạp đã bắt đầu đi bỏ phiếu về một thỏa thuận nợ quan trọng.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình trẻ tuổi, khiến lực lượng thi hành luật phải xịt hơi cay để ngăn đám đông ném đá và phá hoại tài sản trước tòa nhà quốc hội.
 

Cảnh sát canh gác gần một trạm ATM ở Athens. (Ảnh: Getty)

Người dân được yêu cầu "ra phán quyết" về một thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế mà Chính phủ Hy Lạp phản đối. Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu dân ý không chỉ đơn thuần về điều đó.

Thủ tướng Alexis Tsipras đang kêu gọi cử tri bỏ phiếu "Không" để tăng cho ông sức mạnh đàm phán với các chủ nợ. Ông muốn một khoản cứu trợ lớn hơn, nhưng gắn với các điều khoản ít khắt khe hơn, và một khoản nợ được hủy bỏ. 

Các lãnh đạo châu Âu cho rằng, một cuộc bỏ phiếu "Không" sẽ phá hủy nền tảng của đàm phán, và đặt Hy Lạp vào một con đường tốc hành ra khỏi châu Âu. Những thiệt hại mà nước này phải hứng chịu sẽ rất lớn.

Một cuộc bỏ phiếu "Có" sẽ cho phép đàm phán được nối lại. Nhưng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể còn yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện nhiều điều kiện nghiêm ngặt hơn để nhận được thêm tiền.

Đó là một lựa chọn quá khó. Và lựa chọn đó đã khiến cho Hy Lạp chia rẽ nặng nề. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, kết quả trưng cầu dân ý sẽ vô cùng sít sao.

Sau nhiều năm kiệt sức vì chính sách cắt giảm tiền lương và phúc lợi hưu trí, nhiều người Hy Lạp cho rằng, họ chịu đựng như thế là quá đủ rồi. Họ thà đòi lại quyền kiểm soát bằng cách rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và trở lại với đồng drachma.

Tuy nhiên, việc đồng nội tệ mất giá thê thảm với sự nghèo khổ lại khiến nhiều người hoảng sợ. Họ muốn Hy Lạp tiếp tục dùng đồng Euro, và bám rễ sâu trong Liên minh châu Âu, dù phải hy sinh nhiều hơn nữa. 

Dù cách nào thì cũng cần có điều gì đó phải thay đổi nhanh chóng. Bởi Hy Lạp đang trên bờ vực phá sản, và nền kinh tế nước này đang tiến tới điểm dừng. Tín dụng của nước này với IMF và châu Âu đã vỡ.

Các ngân hàng ở Hy Lạp đã ngưng hoạt động suốt cả tuần. Hạn mức rút tiền tại các máy ATM chỉ 60 Euro/ngày. Thực tế, tình trạng thiếu hụt đồng 20 Euro khiến một số người chỉ có thể rút được 50 Euro. 

Các ngân hàng vẫn chưa thể mở cửa cho đến thứ Ba tuần sau như dự kiến, nếu Ngân hàng trung ương châu Âu không tiếp tục cho vay khẩn cấp - điều không tưởng nếu không có một cam kết cải cách rõ ràng từ chính quyền Athens.

Trong khi đó, một số dịch vụ thiết yếu cũng đã bắt đầu cảm thấy áp lực. Theo Giannaros – Giám đốc Bệnh viện Elpis ở Athens – nói với CNN rằng, các nguồn cung thuốc và thực phẩm cơ bản đang dần cạn kiệt.

Cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp đang được cả thế giới theo dõi sát sao. Triển vọng của một đất nước èo uột ở đông nam châu Âu đang báo động cho các nhà lập pháp khắp từ Brusssels cho tới Washington.

Hy Lạp là một thành viên của NATO, nhưng lại đang "tán tỉnh" Nga. Và nước này còn là cửa ngõ vào châu Âu của nhiều người di cư lánh chiến tranh, tránh khủng bố và nghèo đói từ Trung Đông và châu Phi.
 
>> Phó Thủ tướng Đức: "Chính phủ Hy Lạp đã phá hủy cây cầu cuối cùng"
>> Hơn 61% cử tri Hy Lạp nói “Không” với kế hoạch khắc khổ
 
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)