Thế giới

Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ khuyên ông Trump bỏ hẳn kinh doanh

Chuyển việc kinh doanh cho con cái không phải là cách để giải quyết vấn đề xung đột lợi ích khi ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Chuyển việc kinh doanh cho con cái không phải là cách để giải quyết vấn đề xung đột lợi ích khi ông Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Ông Trump phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Detroit, bang Michigan vào tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters

Theo đài phát thanh NPR, trong một lá thư của Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ (OGE), đích thân giám đốc OGE Walter M. Shaub, Jr. đã khuyên Tổng thống đắc cử Donald Trump nên gạt bỏ tất cả những lợi ích từ đế chế kinh doanh của mình để tránh xung đột lợi ích khi bước vào Nhà Trắng.

Nhiều đạo luật liên bang của Mỹ cấm các nhân viên chính phủ, kể cả các thành viên trong nội các, tham gia vào quá trình ra quyết định những điều luật có khả năng đem lại lợi ích tài chính cho bản thân họ, cho gia đình hay thậm chí doanh nghiệp đối tác.

Thế nhưng, các điều luật đó lại không áp dụng đối với Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ, người đứng đầu OGE lưu ý trong lá thư.

Dù không bị ràng buộc về pháp luật, nhưng bên hành pháp Mỹ có một chính sách nhất quán từ trước đến nay, đó là Tổng thống “nên hành xử như thể đang bị ràng buộc bởi các đạo luật về xung đột lợi ích tài chính”, ông Shaub viết.

Với trường hợp đặc biệt như ông Trump, OGE nhấn mạnh quan điểm của cơ quan này là Tổng thống nên tránh xa các xung đột lợi ích và tạo dựng niềm tin.

OGE cũng nhấn mạnh họ không có quyền buộc ông Trump phải từ bỏ chuyện kinh doanh nhưng lưu ý rằng “mỗi tổng thống Mỹ trong giai đoạn hiện đại đều cân nhắc và áp dụng những đề xuất của OGE”.

Bức thư là sự phản hồi của OGE trước những câu hỏi của Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Carper - thành viên cấp cao của Ủy ban an ninh nội địa Thượng viện và Ủy ban các vấn đề của chính phủ.

Thượng nghị sĩ Carper nhấn mạnh: “Các lợi ích tài chính của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, một phần vì ông ta là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Mỹ từ chối công khai tờ khai thuế. Điều này đặt ra các nghi vấn về cách thức quản lý của Tổng thống Trump để tránh xung đột lợi ích và đảm bảo sự toàn vẹn các quyết định của nhánh hành pháp”.

Với một đế chế kinh doanh rộng lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sân golf đến bất động sản và thương mại, ông Trump và gia đình sẽ được hưởng lợi từ 4 năm ông làm Tổng thống ở một mức độ chưa từng thấy. Hầu như bất kỳ quyết định nào của Tổng thống Trump cũng sẽ ảnh hưởng một phần đến cơ ngơi mà ông đã tạo dựng trong nước hay nước ngoài, cơ quan NPR nhận định.

Việc ông Trump sẽ giải quyết chuyện kinh doanh của cá nhân và gia đình như thế nào khi làm Tổng thống hiện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Mỹ. Tổng thống đắc cử Trump từng tuyên bố sẽ bỏ hẳn việc kinh doanh để chuyên tâm cho việc nước và tổ chức họp báo vào ngày 15-12 để giải thích cặn kẽ cách giải quyết các xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, ngày 12-12, người phát ngôn của ông đã thông báo dời thời điểm họp báo sang tới tháng 1 năm sau, thời điểm cận kề ngày ông chính thức tuyên thệ nhậm chức (20-1).

Văn phòng Đạo đức chính phủ Mỹ là một cơ quan độc lập trong bộ máy Chính phủ Mỹ được thành lập năm 1989 trên cơ sở tách ra từ Văn phòng Chính phủ Mỹ về quản lý nhân sự, theo sau việc cải cách “Luật Đạo đức Chính quyền Mỹ năm 1978”.

OGE có 4 vai trò lớn, trong đó “Giám sát tình hình thi hành khai báo tài sản công khai và bí mật của các quan chức chính quyền" và "Thẩm xét lý lịch những quan chức được Tổng thống bổ nhiệm xem họ có va chạm lợi ích kinh tế hay không” được xem là hai nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên thành tích của OGE trong việc chống tham nhũng và minh bạch chính phủ.

Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)