Thế giới

Vạch ra “lằn ranh đỏ” cho Triều Tiên, Hàn Quốc tự làm khó mình

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã xác định “lằn ranh đỏ” này là việc Triều Tiên gắn được đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã xác định “lằn ranh đỏ” này là việc Triều Tiên gắn được đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

han quoc tu lam kho minh khi vach ra lan ranh do cho trieu tien hinh 1

Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc họp báo nhân 100 ngày cầm quyền. (Ảnh: Yonhap)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Triều Tiên đang tiến ngày càng gần đến “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định vượt qua lằn ranh đó.

Hàn Quốc sắp mất “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên?

Vài ngày trước, phát biểu trong lễ kỷ niệm Ngày Quang Phục, hay còn gọi là Ngày Giải phóng Quốc gia Triều Tiên (15/8/1945, khi còn là nhất thể), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn tuyên bố rằng “sẽ không có chiến tranh lặp lại trên bán đảo Triều Tiên”.

Ngày 17/8, ông tiếp tục khẳng định rằng Mỹ đã đồng ý không thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên nếu không nhận được sự đồng thuận từ phía Seoul.

Có lẽ vì thế mà tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về “lằn ranh đỏ” được xem là một động thái bất thường từ nhà lãnh đạo vốn chủ trương mềm mỏng với Triều Tiên. Thậm chí đến Tổng tống Mỹ Donald Trump, người từng tuyên bố hết "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên và mới đây đe dọa sẽ nhấn chìm Bình Nhưỡng trong “hỏa lực và thịnh nộ”, cũng kiềm chế chưa đưa ra bất cứ “lằn ranh đỏ” nào với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuyên bố của ông Moon Jae-in đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố, 100 ngày đầu cầm quyền của ông là “thảm họa và đáng thất vọng”, cho rằng đương kim Tổng thống Hàn Quốc là người “tiền hậu bất nhất”.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Triều Tiên cáo buộc ông Moon Jae-in “luôn nói về việc tiến tới đối thoại và thực hiện các thỏa thuận liên Triều nhưng trên thực tế, ông ấy luôn làm ngược lại”, ám chỉ việc Tổng thống Hàn Quốc vẫn giữ quan điểm siết chặt trừng phạt với Bình Nhưỡng và rộng đường cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo này.

“Lằn ranh đỏ” hay … “thảm đỏ”?

Phó Chủ tịch chương trình nghiên cứu châu Á tại “Viện Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế”, Douglas Paal đã chỉ ra hậu quả của việc ông Moon Jae-in vạch ra “lằn ranh đỏ” với Triều Tiên.

“Lằn ranh đỏ chỉ có thể trở nên đáng tin cậy thông qua việc nhắc đi nhắc lại một cách nhất quán kèm với những biện pháp đòn bẩy và khả năng thực hiện chúng nếu lằn ranh đó bị vượt qua”, ông Douglas Paal nêu rõ. “Tổng thống Moon Jae-in là một nhân vật mới trên cương vị này và dường như các đối thủ sẽ thử thách khả năng thực thi lằn ranh đỏ của ông”.

Ông Paal cũng dẫn ý kiến của Noboru Yamaguchi, một Trung tướng Bộ binh thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã về hưu cho rằng: “Đã có quá nhiều lằn ranh đỏ được đặt ra trước mắt Triều Tiên và chúng bắt đầu trông giống như là thảm đỏ”.

Giám đốc Nhóm các vấn đề quốc tế của CAN Corp. Ken Gause, một chuyên gia về Triều Tiên cũng tán đồng ý kiến này.

Ông Ken Gause nhận định: “Nếu kẻ địch không tin rằng một nước khác có thể thực sự đe dọa (điều Tổng thống Moon Jae-in không làm rõ mà chỉ nói rằng Triều Tiên sẽ không thể chịu nổi áp lực đó), thì đây không phải là một động thái khôn ngoan cho chính đất nước đã vạch ra lằn ranh đỏ”.

“Như cách mà ông Kim Jong-un tiếp nhận những lời đe dọa này, ông ấy càng cần phải có bức tường phòng thủ hạt nhân để có thể sống sót. Và như vậy, ông ấy cần phải vượt qua lằn ranh đỏ của Tổng thống Moon Jae-in để đạt được điều đó” – chuyên gia này nêu rõ.

Cũng theo ông Ken Gause, Tổng thống Moon Jae-in chẳng có gì để làm đòn bẩy nhằm ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể cho rằng lựa chọn quân sự [của Mỹ và Hàn Quốc – ND] trên bán đảo Triều Tiên chỉ là "đòn gió".

“Chính vì thế mà ông Moon Jae-in tự đặt mình vào tình huống khó khăn”, Gause nhận định. “Trừ khi Seoul và Washington (có thể là cả Bắc Kinh nữa), có thể tìm ra cách làm cho Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân của nước này, còn nếu không lằn ranh đỏ ấy chắc chắn sẽ bị vi phạm.”

Theo ông Gause, một khi “lằn ranh đỏ” bị vi phạm, tất cả mọi tính toán sẽ phải thay đổi.

“Đòn bẩy về phía Triều Tiên sẽ lên cao”, Gause nói. “Chúng ta sẽ phải chứng kiến họ lựa chọn cách chơi cho cuộc chơi này, đó là ngày càng tỏ ra kháng cự hơn hay trở thành cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Còn Hàn Quốc và Mỹ sẽ chẳng còn phương án nào tốt ngoài việc đàm phán hoặc bận rộn với các biện pháp ngăn chặn Triều Tiên”.

Chuyên gia hàng đầu về các vấn đề liên Triều của viện nghiên cứu Brookings, ông Johnathan Pollack thì lại chỉ ra nghịch lý trong định nghĩa “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Moon Jae-in.

“Cách duy nhất chúng ta có thể biết chắc chắn rằng Triều Tiên thực sự có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công là phải chứng tỏ khả năng đó”, ông nêu rõ. Johnathan Pollack cũng lưu ý rằng một vụ thử tên lửa như thế có thể bay qua nhiều quốc gia và nhằm vào lãnh thổ Mỹ.

“Đó có thể bị coi là một hành động gây chiến trong khi nhiều người khác cho là tấn công phủ đầu”, ông Pollack nhấn mạnh.

Theo Diệu Hương (Vov.vn)