Thế giới

Tỷ phú 'chúa chổm' của Trung Quốc

Hui Ka Yan sở hữu 35 tỷ USD nhờ China Evergrande Group - hãng bất động sản vay nợ nhiều nhất Trung Quốc.

Chủ tịch China Evergrande Group - Hui Ka Yan là tỷ phú bất động sản giàu nhất Trung Quốc. Tài sản của ông được gây dựng trên một khối nợ doanh nghiệp khổng lồ. Evergrande không chỉ là hãng bất động sản vay nợ nhiều nhất nước, mà còn có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao nhất trong nhóm công ty của các tỷ phú hàng đầu thế giới.

Hui lớn lên trong cảnh nghèo khó ở Hà Nam (Trung Quốc). Ông từng làm việc trong một công ty thép quốc doanh, sau đó nghỉ việc năm 1992 để thử vận may trong ngành bất động sản. Năm 1996, Hui thành lập Evergrande và biến công ty này thành hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc về doanh thu.

Theo Bloomberg Billionaires Index, Hui hiện có tài sản 35 tỷ USD và là người giàu thứ 26 thế giới. Các tỷ phú xếp trên ông, như Jeff Bezos của Amazon hay Sheldon Adelson của Las Vegas Sands đều tích lũy tài sản thông qua các công ty vay nợ ít hơn nhiều.

Tỷ phú 'chúa chổm' của Trung Quốc
Chủ tịch China Evergrande Group - Hui Ka Yan. Ảnh: Bloomberg

Sử dụng đòn bẩy là hoạt động phổ biến của các công ty. Trong thập kỷ qua, khối nợ doanh nghiệp toàn cầu đã tăng thêm 26% lên 132.000 tỷ USD, do các công ty tận dụng thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục để có vốn phục vụ tăng trưởng. Cũng như Evergrande, rất nhiều doanh nghiệp đã dùng tiền đi vay để mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức.

"Họ thích dùng nợ để tăng khả năng tài chính. Và nếu muốn trả cổ tức hay mua lại cổ phiếu, họ sẽ dùng nợ để làm những việc này", Nigel Stevenson - nhà phân tích tại GMT Research cho biết.

Cổ phiếu Evergrande - nguồn tài sản chính của Hui - đã tăng hơn 200% trong 2 năm qua, khi công ty mua lại hàng triệu cổ phiếu và chia 2,2 tỷ USD cổ tức cuối năm 2018. Hôm thứ Hai, họ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu với lợi suất xấp xỉ 10% - mức cao đối với một công ty có quy mô tương đương, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức báo động rủi ro tài chính.

"Nhu cầu của nhà đầu tư với cổ phiếu công ty này vẫn cao, nhờ lợi suất hấp dẫn", Dhiraj Bajaj - Giám đốc Danh mục đầu tư tại Lombard Odier cho biết.

Hui hưởng lợi khá lớn từ hoạt động đi vay ồ ạt của công ty. Tỷ phú 60 tuổi này đã chi tiền túi mua 1 tỷ USD trái phiếu công ty hồi tháng 10 năm ngoái, nhằm trấn an thị trường về khối nợ khổng lồ của Evergrande. Kể từ đó, tâm lý thị trường cải thiện đã giúp giá trị khoản đầu tư này của ông tăng 16%.

Nhà đầu tư tin vào cam kết của Evergrande rằng sẽ giảm đòn bẩy. Diện tích đất khổng lồ công ty này đang nắm giữ cũng là khoản bảo đảm đáng tin cậy cho khối nợ này. Hãng này cũng sẽ hưởng lợi khi kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi.  

Dù vậy, khối nợ khổng lồ của Evergrande vẫn là rủi ro lớn. Nợ ròng của họ tăng gấp 4 trong 5 năm qua lên 78 tỷ USD. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính cũng cao gấp đôi trung bình ngành, Bloomberg cho biết. Việc công ty này liên tục phát hành trái phiếu năm nay cũng sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm đòn bẩy.

Những người hoài nghi cho rằng Hui đang đốt quá nhiều tiền khi mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh. Evergrande đã lấn sân sang hàng loạt lĩnh vực trong vài năm qua, từ bệnh viện, trí tuệ nhân tạo đến bóng đá. Họ thậm chí muốn vượt Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu kinh tế Trung Quốc đi xuống hoặc thị trường tín dụng bị thắt chặt, kế hoạch mở rộng dựa vào vay nợ của Hui sẽ phản tác dụng.

Theo Hà Thu (VnExpress.net)