Thế giới

Tuyên bố ngang hàng với Nga, Pháp muốn thế chân Mỹ 'làm chủ cuộc chơi' tại Trung Đông?

Các nhà phân tích chính trị nhận định Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang muốn giành lại vị thế "môi giới quyền lực" của Pháp tại khu vực Trung Đông.

Tuyên bố ngang hàng với Nga, Pháp muốn thế chân Mỹ 'làm chủ cuộc chơi' tại Trung Đông?
Ảnh: kremlin.ru

Al Jazeera dẫn lời các nhà phân tích chính trị cho biết, dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp đang theo đuổi một chính sách đối ngoại đầy tham vọng tại Syria với mục đích giành lại vị thế và khôi phục ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông.

Hôm 14/4 vừa qua, Pháp đã tham gia liên minh Mỹ - Pháp - Anh tấn công 3 cơ sở được cho là có liên quan đến vũ khí hóa học của Syria. Động thái này đã đánh dấu bước "chuyển mình" sang giai đoạn mới của ông Macron trong nhiệm kỳ tổng thống.

Vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp này cho biết ông đã đích thân "thuyết phục" người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Donald Trump, tiến hành cuộc tấn công và duy trì hiện diện quân sự "lâu dài" tại Syria, sau khi một cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra hôm 7/4 tại Douma - thành trì cuối cùng của phiến quân nổi dậy tại Syria.

Tổng thống Macron cũng cho biết ông sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai cường quốc Nga và Mỹ, đồng thời giúp đỡ các bên tìm ra một giải pháp chính trị "bền vững" tại Syria.

Hôm 15/4, trong một cuộc phỏng vấn, ông Macron còn tuyên bố mình "ngang tài ngang sức" với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và quyết định tấn công Syria là để chứng tỏ cho Nga thấy Pháp cũng có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria.

Trước đó, ông Macron từng đề nghị các nước tham gia đối thoại về xung đột kéo dài tại Syria, và thành lập một nhóm liên lạc quốc tế để khôi phục các cuộc hòa đàm đang bị đình trệ tại Geneva.

"Pháp có mối quan hệ khá tốt với Nga, dù gần đây mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây khá căng thẳng", bà Agathe Demarais, một nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tạp chí Economist, nhận định.

"Ông Macron dự định sẽ đến thăm St Petersburg và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin trong tháng 6 tới. Điều thú vị là trong vụ tấn công vừa qua, quân đội Nga không hề công khai chỉ trích Pháp vì đã tấn công Syria. Có thể họ làm như vậy để bảo vệ mối quan hệ song phương của Nga và Pháp", bà Demarais cho biết.

Việc tham gia tấn công Syria cùng đồng minh Mỹ - Anh là quyết định lớn đầu tiên về quân sự của Tổng thống Macron. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông Macron can thiệp vào các cuộc xung đột và khủng hoảng nước ngoài. 

Phát biểu về chính sách đối ngoại của Pháp sau khi lên nắm quyền, ông Macron khẳng định: "Nước Pháp không còn là quốc gia tầm trung như hồi giữa thập niên 70, và phải nhờ cậy sự bảo hộ của các cường quốc khác nữa. Nước Pháp cần phải giành lại vị thế cường quốc của mình".

Pháp tranh thủ lấp đầy khoảng trống của phương Tây tại Syria?

Theo các nhà phân tích, trong những năm qua, Pháp đã nhiều lần "nhanh tay" can thiệp quân sự vào các cuộc xung đột tại châu Phi - cụ thể là các quốc gia như Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi. Tuy nhiên, gần đây Pháp mới bắt đầu có ảnh hưởng ngoại giao rõ rệt tại Trung Đông.

"Ông Macron biết cách tận dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống của Mỹ và Anh tại khu vực Trung Đông, và đặt Pháp ngang hàng với Nga trong 'sân chơi' này", ông Olivier Guitta, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Global Strat, cho biết.

Nhà phân tích Demarais cũng có chung quan điểm trên: "Trong thời gian tới, Pháp sẽ trở thành nhà môi giới quyền lực ở khu vực Trung Đông".

Hồi tháng 11/2017, Paris từng đóng vai trò hòa giải quan trọng tại khu vực này, sau khi Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đột ngột tuyên bố từ chức trong một chuyến thăm Ả Rập Saudi.

Giải thích về quyết định từ chức, ông Hariri cho biết lí do là Iran và Hezbollah can thiệp vào Lebanon, cùng nỗi lo bị ám sát.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng chính quyền Ả Rập Saudi đã ép ông từ chức vì lập trường của ông này với Hezbollah không đủ mạnh mẽ.

Giới chức Lebanon thì cáo buộc Ả Rập Saudi giam giữ Hariri, còn Riyadh buộc tội chính phủ Lebanon gây chiến với họ do Hezbollah công kích.

Khi ấy ông Macron đã nhanh chóng đến Ả Rập và đối thoại với Thái tử Mohammed bin Salman để cứu vãn tình tình. Ông đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc bảo vệ sự ổn định, độc lập và an ninh của Lebanon".

Vài tuần sau, ông Hariri đã rút lại quyết định từ chức và trở lại cầm quyền.

Tuyên bố ngang hàng với Nga, Pháp muốn thế chân Mỹ 'làm chủ cuộc chơi' tại Trung Đông? - 1
Tổng thống Emmanuel Macron và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà phân tích, việc ông Macron giúp Lebanon và Ả Rập Saudi hòa giải không phải là bất ngờ, bởi Lebanon trước đây là thuộc địa của Pháp. Nhưng việc ông hăng hái tham gia hòa giải những khủng hoảng khác tại Trung Đông cho thấy khát vọng trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực của Pháp. 

Ông Guitta nhận định: "Tổng thống Macron đã ghi điểm trên sân chơi địa chính trị tại khu vực này nhờ mối quan hệ mật thiết với Thủ tướng Hariri".

Tháng 12/2017, sau khi ông Trump tuyên bố Jerusalem thuộc về Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thực hiện chuyến thăm Pháp. Tổng thống Macron đã thể hiện lập trường ủng hộ Palestine, và được ông Abbas tin tưởng. Sau khi bác bỏ vai trò của Mỹ, Palestine đã đề nghị Pháp nhận vai trò lãnh đạo mới trong tiến trình hòa bình.

Pháp tích cực hòa giải để nâng cao vị thế tại Trung Đông?

Đầu tháng 12/2017, khi ông Macron đến Qatar để bàn về thương vụ bán 12 chiến đấu cơ Rafael do Pháp sản xuất, ông đã tận dụng cơ hội này và cố gắng hòa giải khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh lúc bấy giờ. Khủng hoảng này được coi là là một trong những mâu thuẫn lớn nhất trong lịch sử quan hệ các nước Ả Rập.

Tháng 6 năm ngoái, Ả Rập Saudi, Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời áp lệnh phong tỏa tất cả đường bộ, đường không và đường thủy đến Qatar. Các nước này cáo buộc Qatar tài trợ cho khủng bố và duy trì quan hệ mật thiết với Iran - đối thủ lớn của họ trong khu vực.

Tuy nhiên Doha đã bác bỏ các cáo buộc trên.

Tổng thống Macron đã làm tròn vai trò hòa giải của mình: "Về tình hình vùng Vịnh, tôi muốn thấy các nước cam kết hòa giải với nhau", và kêu gọi các quốc gia nhanh chóng dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Nhận xét về phát ngôn trên, chuyên gia Guitta cho biết: "Ông Macron đã tránh kích động cả hai bên, nhưng sau đó ông đã lựa chọn UAE để 'làm thân'.

Ông ấy đang tạo mối quan hệ với tất cả các nước [Trung Đông]  nhằm nâng cao vị thế của Pháp trong khu vực".

Theo Hồng Anh (Soha/Thời Đại)