Thế giới

Tướng Prem: Người nhiếp chính quyền lực ở chính trường Thái

Người sẽ nhiếp chính ở Thái Lan là tướng Prem Tinsulanonda, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật và là một người vô cùng quyền lực ở chính trường nước này.

Người sẽ nhiếp chính ở Thái Lan là tướng Prem Tinsulanonda, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật và là một người vô cùng quyền lực ở chính trường nước này.

Theo Hiến pháp Thái Lan, trong trường hợp người thừa kế đã được chỉ định không tiếp quản ngôi vua thì người đứng đầu Hội đồng Cơ mật - tập hợp các cố vấn thân cận của nhà vua - sẽ là người nhiếp chính. Người đó hiện nay là Tướng Prem Tinsulanonda, nguyên thủ tướng Thái Lan từ 1980-1988.

Tuong Prem: Nguoi nhiep chinh quyen luc o chinh truong Thai hinh anh 1
Tướng Prem trong một sự kiện có sự tham dự của ông Prayuth. Ảnh:AsiaCorrespondent.

Tướng Prem, 96 tuổi, được cho là nhân vật tác động rất nhiều các sự kiện chính trị lớn ở Thái Lan. Báo chí Thái cho rằng ông là người đứng sau cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra - cáo buộc ông đến giờ vẫn phủ nhận. 

Nền chính trị Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua chứng kiến sự gắn bó chặt chẽ của quân đội và vương triều. Cùng với nhau, quân đội và hoàng gia để giữ chính phủ dân sự không vượt ngoài tầm kiểm soát. Thủ tướng đương nhiệm, tướng Prayuth Chan-ocha, từng là chỉ huy lữ đoàn bộ binh bảo vệ hoàng hậu.

Khoảng thập niên 1980, Quốc vương Bhumibol bổ nhiệm tướng Prem trở thành thủ tướng. Với sự bổ nhiệm này, ông Prem trở thành người đứng đầu uỷ ban chính trị quy tụ những nhóm theo phe bảo hoàng; quân đội, những người bảo thủ trung thành với hoàng gia, các quan chức cao tuổi và những doanh nghiệp lớn.

Tham vọng của phe quân sự

Năm 1998, ông Prem từ chức, chủ yếu vì những tranh chấp nội bộ liên tục diễn ra trong chính phủ, nhưng ông dẫn duy trì ảnh hưởng rất lớn đằng sau hậu trường.

Một trong những sự kiện nổi bật nhất khi tướng Prem được cho là người đã cố vấn cho nhà vua trong giai đoạn 1991-1992. Sau khi Tướng Suchinda Kraprayoon không giữ lời hứa sau khi ngồi vào ghế thủ tướng, nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra và quân đội đã mạnh tay trấn áp. Sự kiện đó được gọi là “tháng 5 đen tối” ở Thái Lan, nhiều thường dân thiệt mạng vì quân đội, không phe nào chịu nhường nhau.

Lúc này, Quốc vương Bhumibol đã ra mặt và kêu gọi hoà giải, trong khi vẫn giữ khoảng cách với phe quân đội. Sau sự kiện này, nhà vua càng được dân chúng ca tụng đã góp phần duy trì sự ổn định mà vẫn giữ thế trung lập.

Năm 1998, nhà vua bổ nhiệm Tướng Prem là người giám sát Hội đồng Cơ mật, cơ quan tư vấn có nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của hoàng gia. Ở giai đoạn này, những cơ quan không qua bầu cử như Hội đồng Cơ mật hoặc các toà án có quyền lực và ảnh hưởng lớn trong chính trường Thái Lan.

Tuong Prem: Nguoi nhiep chinh quyen luc o chinh truong Thai hinh anh 2
Tướng Prem trở thành chủ tịch Hội đồng Cơ mật từ năm 1998. Ảnh: Newmandala.

Quyền lực của Tướng Prem và những người ủng hộ ông ngày càng tăng cho đến năm 2001. Khi đó, nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra chiến thắng ấp đảo trong cuộc bầu cử nhờ vào chiến sách tranh cử dân tuý nên thu phục được phần lớn cử tri nghèo.

Căng thẳng giữa các cơ quan dân cử và cơ quan không qua bầu cử ngày càng gia tăng và trở thành xung đột công khai. Thủ tướng Thaksin từng có lúc đe doạ tái cơ cấu lại tình hình chính trị trong nước, thách thức quyền lực của vương triều và quân đội.

Kết cục, ông bị lật đổ vào năm 2006 sau một cuộc đảo chính mà người chủ mưu được cho là Tướng Prem - cáo buộc mà vị tướng này luôn phủ nhận.

Tuy nhiên, Thaksin không phải là người thua duy nhất. Đảng phái của Prem cũng nhanh chóng bị suy yếu vì sự xuất hiện của phong trào chống đảo chính - gọi là phe áo đỏ, cũng như một số phần tử chống vương triều có xu hướng tăng khi tình hình sức khoẻ quốc vương Bhumibol yếu dần. 

Ảnh hưởng của Hội đồng Cơ mật

Hoàng hậu Sirikit hoạt động ngày càng tích cực hơn, bù đắp vào sự vắng mặt của quốc vương do phải điều trị bệnh. Một điện tín ngoại giao của Mỹ hồi năm 2010 do Wikileaks công bố cho thấy Tướng Prem, cố vấn Hội đồng Cơ mật Siddhi Savetsila và cựu thủ tướng Anand Panyarachun từng bày tỏ sự không hài lòng với đại sứ Mỹ tại Thái Lan về câu chuyện kế vị ở hoàng gia.

Mảnh ghi chú của đại sứ cho biết ông Siddhi và ông Anand “ám chỉ rằng đất nước sẽ tốt hơn nếu có thể thực hiện một số sắp xếp”, và họ đề nghị người kế nhiệm nên là Công chúa Sirindhorn.

Lực lượng bảo hoàng cũng ngày càng chỉ trích chính phủ quân sự, Hồi tháng 1/2015, Tướng Prem từng tuyên bố trước báo chí rằng: “Đất nước này không thuộc về Prayut”. Ông Anand cũng từng phát biểu công khai nói ông Prayut không nên kéo dài việc nắm quyền quá lâu.

Thủ tướng Prayut nhanh chóng đáp trả bằng việc bổ nhiệm nhiều thành viên trong đội bảo vệ hoàng hậu để nắm giữ trọng trách. Ông tiến hành các bổ nhiệm này mà không tham vấn với Hội đồng Cơ mật, dù cơ quan này thường có tiếng nói trong những quyết định nhân sự quan trọng của quân đội.

Tuy nhiên, Tướng Prem không chịu đầu hàng dễ dàng. Khi Quốc vương Bhumibol qua đời, Hội đồng Cơ mật chính là cơ quan sẽ chính thức đề cử người kế vị ngai vàng để quốc hội thông qua. Do vậy, hội đồng hoàn toàn có thể  có những đề cử riêng với chuyện kế vị.

Theo Minh Anh (Zing.vn)