Thế giới

Tương lai nhiều thách thức của Thái tử Thái lan

Thái tử Maha Vajiralongkorn được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm thiện cảm từ dân chúng Thái Lan sau khi kế vị bởi áp lực phải vượt qua cái bóng quá lớn của người cha.

 
Thái tử Maha Vajiralongkorn được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm thiện cảm từ dân chúng Thái Lan sau khi kế vị bởi áp lực phải vượt qua cái bóng quá lớn của người cha.
 
 

Thái tử Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: Reuters

Thái tử Maha Vajiralongkorn sắp đối mặt với một tương lai đầy thử thách với nhiều nhiệm vụ khó khăn khi kế vị ngai vàng từ một quốc vương đã có công mang đến những thay đổi bước ngoặt cho đất nước Thái Lan suốt 70 năm trị vì, theo Reuters.

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej hôm qua băng hà ở tuổi 88 để lại ngai vàng cho Thái tử Maha Vajiralongkorn. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cùng ngày thông báo Thái tử Vajiralongkorn đã xác nhận sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thừa kế ngai vàng nhưng muốn có thêm thời gian để tang Quốc vương cùng người dân cả nước.

Chuyên gia đánh giá Quốc vương Bhumibol có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị ở Thái Lan và đã trở thành một tượng đài khó có thể thay thế trong lòng người dân quốc gia này bởi những thành tựu to lớn mà ông gây dựng cho đất nước. Nhưng Thái tử Vajiralongkorn, 64 tuổi, đến giờ chưa thực sự được người dân Thái Lan trọng vọng như cha mình. Cuộc sống đời tư của ông cho tới trước năm 2014 thường xuyên nằm trong vòng bí mật. 

Thời điểm nhạy cảm

Theo giới quan sát, Thái tử Vajiralongkorn kế vị ngai vàng vào một thời điểm đầy biến động đối với Thái Lan cũng như nền quân chủ. Quân đội hồi năm 2014 đảo chính thành công và thực hiện một nền chính trị ổn định tạm thời cho Thái Lan, một quốc gia trải qua nhiều năm xung đột giữa những thế lực trung thành do quân đội hậu thuẫn và các lực lượng chính trị dân túy.

Thế đối đầu chính trị nảy sinh sau khi ông trùm viễn thông Thaksin Shinawatra lên nắm quyền thủ tướng năm 2001. Ông thực thi những động thái nhằm thay đổi các trật tự cũ, tạo ra những đối thủ lớn, trong đó có Tướng Sonthi Boonyaratglin, người trở thành tổng tư lệnh quân đội vào năm 2005.

Một năm sau, ông Sonth lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin với cáo buộc tham nhũng và đe dọa tới hoàng gia. Ông Thaksin phủ nhận lời buộc tội cho rằng ông không tôn trọng các thể chế của hoàng gia.

Tháng 10/2008, Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết cáo buộc ông Thaksin lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện cho vợ mình mua đất công tại những phiên đấu giá. Ông bị kết án hai năm tù. Ông Thaksin hiện sống lưu vong ở Dubai nhằm né tránh bản án.

Chính những căng thẳng chính trị ở Thái Lan được xem là một phần nguyên nhân khiến sức khỏe Quốc vương Bhumibol yếu đi.

Theo bình luận viên Juliana Rose Pignataro của International Business Times, dù quân đội là lực lượng quyền lực trên chính trường Thái Lan, người Thái có lý do chính đáng để lo ngại về ngai vàng trong tương lai. Quốc vương Bhumibol Adulyadej duy trì quyền lực và tính hợp pháp bằng cách ủng hộ các cuộc đảo chính thường xuyên do quân đội tiến hành. Trong suốt 70 năm trị vì, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính. Người dân Thái Lan lo lắng việc trao ngôi báu cho Thái tử Vajiralongkorn có thể gây ra biến động lớn cho một hệ thống chính trị vốn đã thiếu vắng sự ổn định.

Cái bóng quá lớn

tuong-lai-nhieu-thach-thuc-cua-thai-tu-thai-lan-1

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. 

Theo Reuters, các hoạt động, chính sách nhằm cải thiện, phát triển cuộc sống người dân, đưa đất nước tăng trưởng thần tốc là những thành tựu góp phần giúp Quốc vương Bhumibol giành thiện cảm từ dân chúng, trong khi, đời tư, đặc biệt là cuộc sống hôn nhân nhiều biến động và những lần ly dị của Thái tử, mới là chủ đề thu hút truyền thông Thái Lan.

Vụ việc đáng chú ý nhất gần đây liên quan tới đời tư Thái tử Vajiralongkorn nổi lên vào năm 2014 khi ông ly dị người vợ thứ ba Srirasmi Suwadee.

Vụ ly hôn kéo theo việc nhiều người thân của bà Srirasmi cùng 6 quan chức cảnh sát bị bắt giữ vì dính dáng tới một cuộc điều tra tham nhũng. 6 quan chức cảnh sát và người thân bà Srirasmi bị buộc tội khi quân. Dù không bị kết án, bà Srirasmi vẫn tình nguyện từ bỏ hoàng gia để trở về với gốc gác dân thường. Bà hiện sống ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Thái Lan, và rất ít khi xuất hiện trước công chúng.

Theo Guardian, những câu chuyện đời tư chứ không phải thành tựu của Thái tử Vajiralongkorn, luôn là đề tài bàn tán kín nhưng rất sôi nổi ở Thái Lan.

"Luật chống khi quân sẽ kết tội những ai khai thác thông tin về Thái tử nhưng bất chấp điều đó, hay cũng chính vì luật lệ này mà người dân Thái Lan vô cùng quan tâm tới các thông tin không chính thống hay tin đồn về hoàng gia", Andrew McGregor Marshall, phóng viên người Anh chuyên viết về hoàng gia Thái Lan cho biết.

Ông John Ciorciari, giáo sư kiêm chuyên gia về Đông Nam Á tại Trường Ford về Chính sách Công thuộc Đại học Michigan, nhận định Thái tử Vajiralongkorn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực chiếm thiện cảm từ dân chúng ở mức độ mà Quốc vương Adulyadej từng làm được. Nguyên nhân bắt nguồn từ cái bóng quá lớn của Quốc vương Bhumibol cũng như việc ông đã đóng vai trò trụ cột trong hệ thống chính trị Thái Lan suốt nhiều thập kỷ.

"Người kế nhiệm ông gần như chắc chắn không thể có uy tín cũng như tầm ảnh hưởng rộng lớn như thế", giáo sư Ciorciari bình luận.

Tờ StraitsTimes, Singapore, đã gọi Quốc vương Bhumibol là "nhà vua của nhân dân" trong một bài viết nhắc lại quá trình ông trị vì đất nước. Theo bài báo này, chính những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của Quốc vương Bhumibol đã giúp ông có được danh hiệu trên.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)