Thế giới

Tục kiểm tra trinh tiết cô dâu ở Ấn Độ

Anita, 22 tuổi, vẫn rơi nước mắt mỗi khi nhớ lại đám cưới của mình hai năm trước, khi cô phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết đêm tân hôn.

Tục kiểm tra trinh tiết cô dâu ở Ấn Độ
Phụ nữ trong cộng đồng Kanjarbhat, bang Maharashtra phía tây Ấn Độ, bị buộc phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết vào đêm tân hôn. Ảnh minh họa: Flickr

Giống như những phụ nữ khác trong cộng đồng Kanjarbhat, bang Maharashtra phía tây Ấn Độ, Anita bị buộc phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết vào đêm tân hôn để xác định xem cô có "đức hạnh" hay không. Đây được xem là một phần không thể thiếu trong bất kỳ đám cưới nào ở cộng đồng này và do hội đồng làng tiến hành. 

Cô dâu chú rể được đưa một tờ giấy trắng và dẫn tới một phòng khách sạn do hội đồng làng hoặc một trong hai gia đình thuê. Đôi tân lang tân nương sẽ trải qua cuộc tân hôn bên trong, còn gia đình và các thành viên hội đồng chờ đợi bên ngoài. Nếu cô dâu chảy máu trong khi quan hệ, cô được xem là trinh nữ còn nếu không, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Các chú rể được phép hủy hôn nếu cô dâu không chứng minh được mình trong trắng và sẽ bị sỉ nhục công khai, thậm chí bị gia đình đánh đập vì làm bẽ mặt họ.

Hủ tục này vẫn tiếp diễn bất chấp nhiều chuyên gia bác bỏ giả thuyết rằng phụ nữ luôn luôn chảy máu trong lần đầu quan hệ. "Có thể có nhiều lý do khiến một phụ nữ không chảy máu trong lần đầu quan hệ tình dục", tiến sĩ phụ khoa Sonia Naik nói với BBC. "Nếu người phụ nữ đó chơi thể thao nhiều hoặc đã thủ dâm thì cô ấy có thể sẽ không chảy máu. Nếu bạn tình nhẹ nhàng, anh ta cũng có thể góp phần khiến cô ấy không bị chảy máu kể cả trong lần đầu quan hệ".

Ở trường hợp của Anita, cô luôn biết rằng cuộc kiểm tra trinh tiết là một sự giả dối, bởi cô đã quan hệ với chồng trước hôn nhân. Tuy nhiên, cô đã không chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó.

"Tôi cứ nghĩ chồng sẽ đứng lên bảo vệ mình trước hội đồng làng nhưng khi họ hỏi tôi còn trong trắng không, anh ta chỉ vào tờ giấy không một vết bẩn và nói tôi giả dối", cô kể. "Tôi rất choáng váng. Tôi đã quan hệ thân mật với anh ta suốt 6 tháng. Hội đồng làng tuyên bố tôi không còn trong sạch và bỏ đi, tôi bị bỏ lại một mình, không thể ngừng khóc".

Tục kiểm tra trinh tiết cô dâu ở Ấn Độ - 1
Các chú rể được phép hủy hôn nếu cô dâu không chứng minh được mình trong trắng. Ảnh minh họa: Khabar India TV

Chồng của Anita, người ban đầu muốn hủy hôn vì cô "không qua" được bài kiểm tra, đã buộc phải tiếp tục cuộc hôn nhân sau khi các nhân viên xã hội nghe tin về vụ việc và kêu gọi cảnh sát vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc sống của Anita sau đó chẳng khác gì địa ngục, cô thường xuyên bị chồng đánh đập và lăng mạ.

Mọi việc càng trầm trọng hơn khi làng cấm các đôi vợ chồng "gian dối" tham gia các hoạt động cộng đồng. "Mọi việc vẫn không được chứng minh kể cả khi tôi có bầu. Chồng tôi liên tục hỏi tôi rằng đứa con này là của ai. Hội đồng làng cũng hỏi anh ta điều đó". Anita kể.

Hai tháng trước, cô bị đuổi khỏi nhà cùng con trai mới sinh và quay về sống cùng bố mẹ đẻ. Sự kỳ thị sau cuộc kiểm tra trinh tiết "thất bại" đã bao trùm lấy cả gia đình cô, khiến các chị em gái cô thậm chí không tìm được chồng. 

Chiến dịch chống kiểm tra trinh tiết

Vivek Tamaichekar, 25 tuổi, đã khởi xướng chiến dịch bài trừ các cuộc kiểm tra trinh tiết trong cộng đồng thanh niên Kanjarbhat. Anh khẳng định hủ tục lạc hậu này phải bị chấm dứt.

"Đây hoàn toàn là một sự xâm phạm quyền riêng tư của các đôi vợ chồng và cách nó được tiến hành rất thô lỗ và đau đớn. Họ buộc phải tân hôn trong khi nhiều người đứng bên ngoài phòng. Chú rể thường được cho uống rượu và xem hình khiêu dâm", anh nói. "Ngày hôm sau, anh ta được gọi tới một buổi lễ và hỏi bằng những cụm từ xúc phạm để trả lời xem cô dâu có còn trinh tiết hay không".

Tục kiểm tra trinh tiết cô dâu ở Ấn Độ - 2
Vivek Tamaichekar, người khởi xướng chiến dịch bài trừ các cuộc kiểm tra trinh tiết trong cộng đồng thanh niên Kanjarbhat. Ảnh: BBC

Năm 12 tuổi, Tamaichekar tham dự một đám cưới nơi mọi người đột nhiên ném giày dép vào cô dâu: "Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến khi lớn hơn, tôi mới biết sự việc đó là như thế nào".

Dự định kết hôn vào cuối năm nay, Tamaichekar và hôn thê đã thông báo cho làng rằng sẽ không thực hiện cuộc kiểm tra trinh tiết. Anh cũng muốn những thanh niên khác trong cộng đồng có chung quan điểm này và phá vỡ những gì anh gọi là "âm mưu của sự im lặng".

Anh đã thành lập một nhóm gồm khoảng 60 thành viên, trong đó một nửa là phụ nữ. Họ cố gắng thuyết phục những người khác trong cộng đồng ngừng thực hiện hủ tục trên. Nhưng việc kiểm tra trinh tiết đã trở thành cái giá nặng nề trong xã hội.

Một số thành viên trong nhóm bị tấn công khi họ dự một đám cưới cộng đồng. Hội đồng làng cũng cảnh báo rằng gia đình của các thành viên nhóm này sẽ bị xã hội tẩy chay nếu nhóm không giải tán và xin lỗi vì làm "ô danh" cộng đồng Kanjarbhat.  

Tuy nhiên, Tamaichekar quyết tâm theo đuổi chiến dịch của mình. Vụ tấn công nhóm của anh được đưa tin rộng rãi trên truyền thông Ấn Độ và cuộc kiểm tra trinh tiết trở thành chủ đề tranh cãi ở nước này. Anh hy vọng sự quan tâm đối với vấn đề sẽ giúp chấm dứt hủ tục trên.

Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)