Thế giới

Tự phá bỏ 'ranh giới đỏ', ông Tập Cận Bình muốn gì trong cuộc đại cải cách quân đội TQ?

Sự tái xuất hiện của lực lượng vũ trang tại Ban thường vụ các địa phương Trung Quốc báo hiệu chuyển biến lớn trong cải cách quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tự phá bỏ 'ranh giới đỏ', ông Tập Cận Bình muốn gì trong cuộc đại cải cách quân đội TQ?
Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc. Ảnh tư liệu Trung Quốc

Ông Tập tự phá bỏ "ranh giới đỏ"

Mới đây, bản tin vắn Nhật báo Hồ Bắc cho biết, ông Mã Đào, Tư lệnh quân khu tỉnh Hồ Bắc, được bổ nhiệm vị trí Ủy viên, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Hồ Bắc.

Trong thời gian qua, một loạt tin vắn bổ nhiệm nhân sự tương tự đã được các kênh truyền thông địa phương như Liêu Ninh hay An Huy đăng tải.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), những thông báo dường như nhỏ lẻ nhưng lại phát đi tín hiệu thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đặt niềm tin vào mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang và chính quyền dân sự địa phương, sau khi nước này thực hiện chiến dịch chống tham nhũng và tái cơ cấu quân đội quy mô lớn.

Tại các địa phương, ban thường vụ chi bộ là cơ quan ra các chính sách quan trọng của chính quyền địa phương và lực lượng quân đội Trung Quốc cũng đã tham gia vào tất cả các cấp chính quyền trong một thời gian dài.

Chính sách này được áp dụng từ những năm 1950, sau khi nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài đề xuất các sĩ quan thuộc lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nên tham gia các cuộc họp của chính phủ, nhằm tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề quân sự và dân sự trong nước.

Sự hiện diện này đã cho phép PLA trực tiếp vận động cho lợi ích quân sự tại các khu vực này mà không làm gián đoạn các hoạt động của lãnh đạo địa phương.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, chính sách này đã tạm ngừng khi Bắc Kinh bắt đầu tiến hành tái cơ cấu lực lượng vũ trang, bao gồm quyết định cắt giảm 300.000 binh lính và tái tổ chức 7 quân khu thành 5 chiến khu.

Những thay đổi này là một phần trong đại kế hoạch của ông Tập để hợp lí hóa tổ chức quân đội và cải tổ lực lượng vũ trang thành lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, hiện đại hơn.

Trước đây, một số ý kiến lại cho rằng, mục đích của ông Tập có thể là để nhằm đề phòng sự xuất hiện một "Bạc Hy Lai thứ hai" - người có nhiều mối quan hệ mật thiết với một số tướng lĩnh quân đội cũng như để tránh xảy ra tình trạng lũng đoạn quân đội do những nhân vật như hai "hổ lớn" Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu gây ra dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Tự phá bỏ 'ranh giới đỏ', ông Tập Cận Bình muốn gì trong cuộc đại cải cách quân đội TQ? - 1
Ông Tập từng yêu cầu tướng lĩnh quân sự rút khỏi bộ máy chính quyền địa phương - nội dung nằm trong kế hoạch cải cách quân đội của ông. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đại kế hoạch hoàn thành

Theo các nhà phân tích, việc ông Tập cho phép các tướng lĩnh PLA tái tham gia ủy ban thường vụ địa phương là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc cải tổ quân đội đã hoàn thành và PLA đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

Ông Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho biết các cán bộ PLA đã được triển khai về địa phương để đảm bảo chính quyền dân sự hỗ trợ hoạt động của lực lượng quân đội đang từng bước hiện đại hóa.

"Hiện đại hóa quân đội không chỉ là về quân đội", ông Ni nói. "Toàn bộ hệ thống hỗ trợ quân đội cũng phải đạt tiêu chuẩn".

"Việc quân đội tham gia các ban thường vụ địa phương sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng của quân đội đến các doanh trại địa phương và các cán bộ nghỉ hưu".

Giới phân tích nhận định, đại diện quân đội tại các Ban thường vụ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lồng ghép các ngành công nghiệp quân sự và dân sự vào công cuộc sản xuất vũ khí.

Để chương trình này thành công, chính quyền địa phương cần khuyến khích việc chuyển giao công nghệ trong các ngành quân sự và dân sự, cũng như các ngành công nghiệp liên quan đến quân sự.

Sự phối hợp khăng khít hơn giữa PLA và chính quyền địa phương cũng là điều cần thiết trong thời điểm này, khi 1,5 triệu thành viên của lực lương Cảnh sát Vũ trang nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội.

Trước đây, chính quyền địa phương có quyền triển khai lực lượng cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình, ứng phó với thiên tai và các cuộc tấn công bạo lực.

Nhưng giờ đây, quan hệ giữa các cơ quan dân sự và quân đội ngày càng quan trọng hơn khi quyền hạn này thuộc về PLA.

SCMP dẫn lời một nhà phân tích chính trị Trung Quốc cho biết, việc đưa tướng lĩnh vào bộ máy lãnh đạo địa phương sẽ đảm bảo lực lượng vũ trảng phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của quân đội.

"Các quan chức sẽ giải quyết sự gián đoạn trong các công việc bán quân sự," chuyên gia này cho biết. "Nếu quân đội có mâu thuẫn về lợi ích với chính quyền địa phương, thì cần phải có đại diện của quân đội để hai bên dễ dàng đàm phán."

Theo Hồng Anh (Soha/Thời Đại)