Thế giới

'Tứ giác Kim cương' gặp nhau, Trung Quốc lập tức lên tiếng

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước không nên "chính trị hóa việc hợp tác" sau khi quan chức Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia gặp nhau bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines.

Hôm 12/11, bên lề Hội nghị ASEAN và các cuộc gặp liên quan ở Philippines, quan chức 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã gặp nhau và nhất trí hợp tác vì một "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm".

Mỹ - Ấn - Australia - Nhật Bản là 4 nước nằm trong học thuyết về một "liên minh 4 bên", còn gọi là "Tứ giác Kim cương", do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng cách đây 10 năm, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông. Ông Abe muốn thiết lập 1 liên minh 4 bên giữa "những nền dân chủ với tư duy tương đồng". Dù vậy, vào thời điểm đó, Ấn Độ và Australia đã chần chừ tham dự vì lo ngại phản ứng từ phía Trung Quốc.

'Tứ giác Kim cương' gặp nhau, Trung Quốc lập tức lên tiếng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines.

10 năm sau, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tỏ ra quan tâm đến liên minh khi ông sử dụng khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" để miêu tả khu vực này trong chuyến đi đến châu Á vừa qua. "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" cho thấy cách tiếp cận rộng hơn của Washington và sự nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ đối với an ninh khu vực.

Theo South China Morning Post, Ấn Độ và Australia đã đổi ý sau khi chứng kiến sáng kiến "Vành đai, Con đường" và tham vọng của Trung Quốc muốn thách thức trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, cùng với đó là việc Bắc Kinh hung hăng hơn ở Biển Đông.

Cuộc họp hôm 12/11 không có tuyên bố chung nào và các quan chức Mỹ cũng phủ nhận đây là động thái nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Phản ứng lại cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố hợp tác khu vực không nên bị chính trị hóa hay loại trừ (một bên nào đó).

'Tứ giác Kim cương' gặp nhau, Trung Quốc lập tức lên tiếng - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích nói rằng cuộc gặp của quan chức từ "Tứ giác Kim cương" không phải sự trùng hợp trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn xem "Ấn Độ - Thái Bình Dương" là trung tâm trong chiến lược châu Á của mình. 

Zhang Mingliang, chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Jinan, nói rằng "Tứ giác Kim cương" là một phản ứng có thể đoán được của 4 nước trước ảnh hưởng quân sự và kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc.

Du Jifeng, một chuyên gia về Đông Nam Á khác tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, bổ sung rằng 4 nước trên chia sẻ nhau những giá trị về ý thức hệ, lại không có mâu thuẫn lợi ích chiến lược trong các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông và Triều Tiên.

Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS về Trung Quốc ở Longdon, nói rằng Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đều có lý do để trông đợi ở "Tứ giác Kim Cương", đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực đang phai nhạt. Ông nói rằng với tất cả những sự im lặng của Trump, các láng giềng của Trung Quốc lo lắng về sự gia tăng ý đồ lẫn sứ mạnh của Bắc Kinh, đặc biệt khi Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng áp đặt "vị trí lịch sử" của Trung Quốc như lực lượng thống trị khu vực.

Trong một diễn biến khác, một nhà ngoại giao Philippines hoài nghi về ảnh hưởng mà bộ tứ này có thể gây nên tại ASEAN. "Không quốc gia nào ở Biển Đông cả... (Nếu) bạn không ở đó, đó không phải lãnh thổ của bạn", ông nói.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)