Thế giới

Trút "mưa bom" xuống Afghanistan - Mỹ vẫn loay hoay trong mớ hỗn độn

Trong tháng 8, Không lực Hoa Kỳ thả trung bình 16 quả bom xuống Afghanistan mỗi ngày. Hiệu quả của chiến dịch đó ra sao?

Trong tháng 8, Không lực Hoa Kỳ thả trung bình 16 quả bom xuống Afghanistan mỗi ngày. Hiệu quả của chiến dịch đó ra sao?

Tờ Sputnik cho hay, nằm trong kế hoạch tấn công "những kẻ thù của nước Mỹ", Tổng thống Donald Trump đã tăng cường ném bom ở Afghanistan.

Tính riêng trong tháng Tám vừa qua, trung bình mỗi ngày Washington ném 16 quả bom xuống đất nước này, theo một báo cáo mới từ Lầu Năm Góc về việc sử dụng đạn dược tại Afghanistan.

Trút mưa bom xuống Afghanistan - Mỹ vẫn loay hoay trong mớ hỗn độn - Ảnh 1.

Các máy bay ném bom của Mỹ tại Afghanistan

Theo đó, chiến đấu cơ của Không lực Mỹ, trong đó có cả phản lực đa nhiệm F-16, máy bay không người lái MQ-9 Reaper và máy bay ném bom chiến lược B-52, đã thả tổng cộng 1.984 quả bom xuống Afghanistan trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Bảy năm nay.

Số liệu trên được công bố bởi bộ Tư lệnh Không quân Mỹ vào ngày 31/8. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2017, máy bay Mỹ đã thả trung bình 227 quả bom mỗi tháng. Riêng trong tháng Tám, con số này tăng đột biến, cao gấp đôi so với trung bình, tức 503 quả, tại Afghanistan.

Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ David Goldfein nói với tờ Military.com, việc gia tăng tần suất đánh bom tại Afghanistan không cần huy động thêm sự hỗ trợ của lực lượng máy bay trong nước bởi "chúng tôi chưa hề rút máy bay về kể từ khi đưa chúng sang vào nhiều năm trước".

Ông này cho hay, bản thân chưa từng chứng kiến đợt điều thêm máy bay nào đáng kể đối với số lượng máy bay đồn trú tại Afghanistan trong nhiều năm qua.

Trong một bài bình luận của tờ Wall Street Journal vào ngày 20/5 năm ngoái, Tướng về hưu Mỹ, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus và nhà nghiên cứu cấp cao Michael E. O’Hanlon từ viện Brookings viết:

"Chúng ta có một cuộc chiến thực sự ở Afghanistan, nhưng đó không phải cuộc chiến vô vọng. Thậm chí những thành quả quân sự rất khiêm tốn mà Mỹ và NATO đạt được ở đây cũng có khả năng tạo ra sự khác biệt đáng kể. 

Một số người có thể đặt câu hỏi, tại sao chúng ta cần phải kéo dài cuộc chiến ở Afghanistan tới 15 năm? Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì Afghanistan - bức tường thành phía Đông của chúng ta ở Trung Đông trong cuộc chiến chống các lực lượng cực đoan, vẫn còn là vấn đề nan giải".

Hai tác giả này cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của sức mạnh không quân đối với cuộc chiến tại Afghanistan. Theo họ, không quân mang lại những lợi thế đặc biệt cho phương Tây. Nó an toàn khi triển khai và hiệu quả trong việc gây tổn thất, phá hủy tài sản cũng như tiêu diệt lực lượng địch.

Số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy, sau bài bình luận trên của hai tác giả O’Hanlon và Petraeus, Mỹ càng tích cực ném bom hàng tháng, nhằm vào các lực lượng nổi dậy ở Afghanistan.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của SIGAR về hiệu quả của các đợt không kích của Mỹ tại Afghanistan cho hay tình hình tại đất nước Trung Đông này khiến các nghị sĩ Mỹ chẳng lạc quan được lâu. SIGAR là cơ quan Thanh tra đặc biệt của Mỹ về quá trình tái thiết Afghanistan.

"Cộng đồng tình báo Mỹ thừa nhận tình hình chính trị và an ninh ở Afghanistan sẽ vẫn bất ổn trong suốt năm 2018 dù Mỹ và các đồng minh có tăng cường hỗ trợ quân sự", SIGAR dẫn lời Giám đốc Tình báo Quốc gia Daniel Coats nói.

Trút mưa bom xuống Afghanistan - Mỹ vẫn loay hoay trong mớ hỗn độn - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang loay hoay trong "mớ hỗn độn" ở Afghanistan

Liệu Mỹ có sa lầy?

Cho tới nay, Mỹ đã đổ vào chiến trường Afghanistan hàng trăm tỷ USD, nhưng không thể thực hiện lời cam kết giúp đất nước này ổn định.

Thậm chí, 2.400 lính Mỹ đã phải bỏ mạng ở Afghanistan trong 15 năm qua, đồng thời Washington phải chịu những hậu quả nặng nề.

Không chỉ riêng Mỹ mà Afghanistan cũng đang hứng chịu những tổn thất nặng nề. Chính phủ suy yếu, các nhóm nổi dậy không ngừng lợi dụng bất ổn để phát triển tại đây.

Hiện tại, Taliban, al-Qaeda và cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều đang tìm cách gây dựng chủ nghĩa khủng bố ở quốc gia này.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua cũng phải lên tiếng thừa nhận, cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan tới nay không đạt được nhiều kết quả như Lầu Năm Góc mong muốn.

Ông gọi rằng đó là "mớ hỗn độn" nhưng dường như bản thân ông cũng không tìm cách thoát được những bế tắc mà ông phải nhận một cách "bất đắc dĩ" từ những người tiền nhiệm.

Thực tế cho thấy, không có giải pháp nào đơn giản và dễ dàng đối với Tổng thống Trump và chắc chắn, vấn đề Afghanistan sẽ khiến nhà lãnh đạo Mỹ còn phải đau đầu trong suốt nhiệm kỳ còn lại của mình.

Theo Danh Tuyên (Nguoiduatin.vn)