Thế giới

Trước phán quyết của PCA, Trung Quốc tự nhận là... nạn nhân

Trên trang nhất Nhân dân Nhật báo ngày 11-7 đăng bài xã luận, trong đó Trung Quốc tự nhận là "nạn nhân" bị Mỹ "đổ cho tiếng ác".

 

Trên trang nhất Nhân dân Nhật báo ngày 11-7 đăng bài xã luận, trong đó Trung Quốc tự nhận là "nạn nhân" bị Mỹ "đổ cho tiếng ác".

Trung Quốc tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines - Ảnh: AP

Theo Guardian, bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc buộc tội Washington đã lợi dụng vụ kiện của Philippines để ngăn cản đà trỗi dậy của Bắc Kinh nhằm bảo toàn thế bá chủ trong khu vực của Mỹ.

Những chỉ trích này được phía Trung Quốc nêu ra ngay trước một ngày theo dự kiến tòa PCA sẽ có phán quyết chính thức về vấn đề khiếu nại của Philippines. Một phán quyết mà khả năng rất lớn sẽ bác bỏ những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tiếp tục với luận điệu lâu nay, trong bài xã luận đăng ngày 11-7, Trung Quốc tiếp tục đưa ra lập luận kiểu "phủ đầu", bác bỏ tính hợp pháp của phiên tòa PCA.

Chỉ trích Washington, bài báo viết: "Một số người hy vọng bôi nhọ Trung Quốc bằng cách làm đảo lộn mọi việc và xới tung rắc rối, biến những nạn nhân thực sự thành những kẻ tội đồ".

Tiếp đó bài báo khẳng định: "Hiển nhiên là trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng không phải thủ phạm mà là nạn nhân".

Bài xã luận đăng ngày 11-7 trên Nhân dân Nhật báo hẳn nhiên là một điểm nhấn cao trào trong một loạt luận điệu tuyên truyền trước ngày phán quyết 12-7 của PCA tại Hague về việc Philippines khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013.

Trong các yêu cầu của Manila, có yêu cầu tòa PCA bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là "đường chín đoạn", chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông.

Giới quan sát nhận định phán quyết của PCA phần lớn sẽ nghiêng về ủng hộ Manila. Và đương nhiên điều này sẽ chọc giận Trung Quốc, mức độ Bắc Kinh phản ứng ra sao với phán quyết này sẽ phụ thuộc vào mức độ chi tiết của phán quyết.

Trên tờ China Daily tiếng Anh ngày 11-7, Bắc Kinh tuyên bố: "Dù thắng thay thua kiện, phán quyết cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới Bắc Kinh vì đó là phiên tòa bất hợp pháp khi tòa không có quyền xét xử vấn đề này".

Ashley Townshend, một học giả của Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney nhận định, phán quyết của PCA sẽ là "bài thử quan trọng" về tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế tại Biển Đông và cũng cho thấy mức độ sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc như thế nào.

Ông Ashley Townshend ước đoán: "Bắc Kinh sẽ phản ứng với những lời lẽ chua cay nhất với bất cứ phán quyết chỉ trích nào của tòa và có thể sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trên các đảo nhân tạo đang kiểm soát như một động thái phản ứng. Tuy nhiên họ sẽ không động binh theo những cách thức nguy hiểm mà chỉ phô diễn sức mạnh quân sự là chính".

Tuy nhiên các chuyên gia khác cho rằng rất có thể Bắc Kinh sẽ có một phản ứng thực tế lớn hơn thế, trong đó có cả khả năng tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông hoặc tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực.


Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)