Thế giới

Trung Quốc sẽ mua chuộc để Châu Âu không can dự Biển Đông?

Trung Quốc sẽ tìm cách dụ dỗ EU rời xa chính sách Châu Á của Mỹ, và khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ EU, như đã làm với ASEAN - tờ The Economist số ra tuần này cho hay.

Trung Quốc sẽ tìm cách dụ dỗ EU rời xa chính sách Châu Á của Mỹ, và khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ EU, như đã làm với ASEAN - tờ The Economist số ra tuần này cho hay.

Trung Quốc sẽ mua chuộc để Châu Âu không can dự Biển Đông?

Tờ báo viết, sự hiện diện quân sự khiêm tốn của EU tại Châu Á lại không nhân danh Liên hiệp Châu Âu, mà là của hai quốc gia thành viên. Pháp có 8.000 binh sĩ tại đây để bảo vệ các lãnh thổ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, còn Anh duy trì đội quân trú phòng Gurkha ở Brunei và một số cơ sở ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-La đã không nêu vai trò của EU về an ninh Châu Á, mà bày tỏ sự tự hào về "tổ chức quốc phòng đa phương duy nhất ở Đông Nam Á".

Đó là Five Power Defence Arrangements (FPPA), một loạt thỏa thuận quốc phòng giữa Anh, Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore ký năm 1971, theo đó năm nước sẽ tham vấn khi hai thành viên Châu Á của FPPA bị tấn công.

Một điểm khác bị Châu Á phàn nàn là EU bị chia rẽ, không thể nào có tiếng nói chung.

Các nhà ngoại giao ASEAN nói đùa rằng nước Anh, với quyết tâm trở thành "người bạn tốt nhất của Trung Quốc tại Châu Âu", có thể nghe lời Bắc Kinh để cản trở sự đồng thuận của EU, cũng như những nước nhỏ như Lào và Campuchia thỉnh thoảng làm như vậy với ASEAN.

Chẳng hạn ngay trong tuần này, ASEAN đã bối rối rút lại một tuyên bố của các ngoại trưởng chỉ trích sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Tương tự, một số quan chức EU lo ngại tiền bạc và những ưu đãi từ Bắc Kinh dành cho một số thành viên Đông Âu của EU, có thể khiến các tuyên bố cứng rắn sẽ trở nên thiếu cương quyết hơn trong tương lai.

Trung Quốc sẽ tìm cách khuyến dụ EU rời xa chính sách Châu Á của Mỹ, và khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ EU, như đã làm với ASEAN.

Một tài liệu mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La đã phê phán sự cạnh tranh giữa các thành viên EU để giành ưu đãi thương mại của Bắc Kinh.

The Economist kết luận, sự hiện diện quân sự của Châu Âu tại Biển Đông sẽ chứng tỏ điều quan trọng không phải chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là tương lai của một hệ thống toàn cầu dựa trên luật pháp. Châu Âu đang quên rằng Châu Á cũng cần mình như EU cần đến Châu Á.

Theo N.V (Lao Động)