Thế giới

Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ Brexit

Trong trường hợp Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc sẽ là nước kỳ vọng gặt hái nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị, AP ngày 27.6 dẫn lời các chuyên gia nhận xét.

Trong trường hợp Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc sẽ là nước kỳ vọng gặt hái nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị, AP ngày 27.6 dẫn lời các chuyên gia nhận xét.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng muốn nhìn thấy một EU ổn định và gắn kết /// Reuters  
 
“Một trong những lợi ích Trung Quốc có thể nhận được từ Brexit là một mối quan hệ gần gũi và mạnh mẽ hơn với Vương quốc Anh và thậm chí là EU. Cả Vương quốc Anh lẫn EU đều cần mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong tình huống này”, ông Zhang Lihua, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung Quốc và châu Âu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận xét.

Hôm 24.6, Anh đã hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại khối EU, với kết quả nghiêng về phía “ra đi” (Brexit). Lãnh đạo nhiều nước trước đó bày tỏ ý muốn khuyên Anh ở lại EU, trong đó có Trung Quốc, song Bắc Kinh “né tránh việc đề cập tới các lợi ích từ cuộc chia ly này”, theo AP.

Phát biểu trong một cuộc họp của các quan chức kinh tế cấp cao hôm 27.6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh muốn thấy một EU “gắn kết và ổn định” và một nước Anh “bình ổn, thịnh vượng”. Điều này nhằm nhắc tới vấn đề về tâm lý chia rẽ trong các thành viên EU cũng như sự mất đoàn kết trong chính nội bộ Vương quốc Anh.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thiếu chắc chắn ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần phải cùng nhau giải quyết các thách thức, thúc đẩy niềm tin và tạo ra một môi trường quốc tế ổn định”, ông Lý Khắc Cường nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố Thiên Tân.

Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang nhìn nhận châu Âu như một khu vực chào đón họ hơn cả Mỹ, nơi nhiều hợp đồng mua bán đang bị cản trở vì lý do an ninh. Ngoài ra, kinh tế trưởng tại ngân hàng Industrial Bank ở Thượng Hải, ông Lu Zhengwei nhận định rằng việc Trung Quốc hợp tác công nghiệp với Anh sẽ giúp ích cho họ rất nhiều ở lĩnh vực này, nhất là khâu sản xuất không cần trình độ, tay nghề quá cao.

Trong khi đó, ông Zhang Lihua cho rằng mối quan hệ kinh tế sẽ góp phần thắt chặt quan hệ chính trị. Còn Liu Yuanchun, người đứng đầu bộ phận điều hành tại Học viện Quốc gia về Chiến lược và Phát triển thuộc Đại học Nhân Dân, khẳng định: “Lợi ích chính trị cho Trung Quốc còn lớn hơn thành quả kinh tế”.

Nếu Anh thực sự rời khỏi EU, đó sẽ là sự chia tách mang nhiều ý nghĩa về chính trị. Nước Anh sẽ không còn phải “hành xử” theo chủ trương chung của khối EU. Trong khi đó, khó khăn về kinh tế, thương mại khi Anh rời EU là điều hiển nhiên xảy ra do sẽ không còn một số quyền lợi tự do thương mại và đi lại theo thỏa thuận của 28 thành viên EU.

Phe vận động rời EU, đứng đầu là cựu thị trưởng London Boris Johnson và ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng UKIP, hiện sẽ đối mặt với thách thức kinh tế lớn và có thể Trung Quốc sẽ là một giải pháp khả thi cho họ, trong trường hợp gặp khó khăn trong giao dịch với EU và Mỹ.

Theo N.Đăng (Thanh Niên Online)