Thế giới

Trung Quốc sắp phóng 'Mặt Trăng nhân tạo', sáng gấp 8 lần Mặt Trăng tự nhiên

"Mặt Trăng nhân tạo" sẽ đủ sáng để thay thế hệ thống đèn đường.

Theo thông tin mới nhất từ People's Daily Online, thành phố Chengdu của Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng vệ tinh chiếu sáng, được biết đến là "Mặt Trăng nhân tạo" (Artificial Moon), vào năm 2020, thông tin do Wu Chunfeng, Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ và hệ thống vi điện tử thành phố Chengdu cung cấp.

Vệ tinh chiếu sáng được thiết kế và phóng ra ngoài không gian nhằm bổ sung ánh sáng Mặt Trăng tự nhiên vào ban đêm. Trong hội thảo của thành phố Chengdu ngày 10/10/2018, Wu Chunfeng nhấn mạnh, "Mặt Trăng nhân tạo" có độ sáng gấp 8 lần ánh sáng tự nhiên của Mặt Trăng và sẽ đủ sáng để thay thế hệ thống đèn đường.

Được biết, "Mặt Trăng nhân tạo" sẽ chiếu sáng một khu vực có đường kính từ 10 đến 80km, và vùng chiếu sáng chính xác có thể được kiểm soát trong phạm vi vài chục mét.

Trung Quốc sắp phóng 'Mặt Trăng nhân tạo', sáng gấp 8 lần Mặt Trăng tự nhiên
Ảnh: People's Daily Online

Ý tưởng về "Mặt Trăng nhân tạo" đến từ một nghệ sĩ người Pháp. Người nghệ sĩ này lên ý tưởng treo chuỗi tấm gương phía trên Trái Đất để phản chiếu ánh sáng Mặt Trời xuống đường phố thủ đô Paris quanh năm.

Theo Giám đốc Wu Chunfeng, quá trình cho thử nghiệm vệ tinh chiếu sáng đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây, đến nay, công nghệ này đã hoàn thiện và sẵn sàng phóng lên không gian trong hai năm tới.

Kang Weimin, Giám đốc Viện quang học thuộc Viện Công nghệ Harbin giải thích về những lo ngại liên quan đến những quan ngại cho rằng ánh sáng phản chiếu từ vũ trụ có thể làm xáo trộn tập tính sinh hoạt hàng ngày của các loài động vật trên Trái đất cũng như quá trình quan sát thiên văn rằng: Ánh sáng từ vệ tinh nhân tạo chỉ giống như ánh sáng lúc chạng vạng, do đó không hề ảnh hưởng đến tập tính của các loài động vật.

Theo Trang Ly (Helino)