Thế giới

Trung Quốc lâm vào thế bí vì phụ thuộc quá nhiều vào Qatar

Qatar hiện được xem là đối tác quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (B&R).

Qatar hiện được xem là đối tác quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (B&R).

Trung Quốc lâm vào thế bí vì phụ thuộc quá nhiều vào Qatar

Kế hoạch lớn của Trung Quốc gặp trở ngại

Hiện Bắc Kinh vẫn chưa thể đánh giá hết hệ quả cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar.

Ngay sau khi 3 nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain cùng Ai Cập đưa ra quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vào sáng sớm ngày 5/6, giới phân tích đã đặt ra vấn đề Trung Quốc gặp khó khăn trong kiểm soát các mối liên hệ để triển khai những dự án trong sáng kiến của mình ở Trung Đông.

Học giả Wang Yiwei, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế tại Đại học nhân dân Trung Quốc, là sự phản ánh về bản chất cuộc đối đầu lịch sử giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia, đồng thời tiếp tục ảnh hưởng lên an ninh và ổn định của Trung Đông, cũng như tác động tiêu cực lên sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với GCC mà Trung Quốc đang tích cực vận động sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việc ba thành viên GCC cô lập một thành viên khác là Qatar khiến Bắc Kinh rơi vào thế khó bởi khối này không còn giữ được lập trường nhất quán. Điều này còn ảnh hưởng đến việc lưu thông đồng nhân dân tệ trong khu vực.

Mâu thuẫn tôn giáo và bất ổn khu vực sẽ làm phức tạp các mối hợp tác của Trung Quốc.

Saudi Arabia đã ký thỏa thuận mua bán vũ khí 110 tỉ USD với Mỹ, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn chi đến 1.000 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và kêu gọi sự hỗ trợ từ Riyadh. Đây là các động thái mang tính xây dựng giúp Saudi cải thiện quan hệ với Mỹ, vốn bị đi xuống dưới thời tổng thống Obama.

Saudi - được cai trị bởi chế độ quân chủ dòng Hồi giáo Sunni - ngả về phía Mỹ là dấu hiệu xấu đối với nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Theo ông Wang Yiwei, hợp tác pháp lý và đa phương cần được tận dụng để tránh rủi ro chính trị mà Trung Quốc có thể gặp trong triển khai sáng kiến Vành đai, Con đường ở Trung Đông.

"Các nội dung hợp tác nên được chuẩn hóa dưới dạng các tài liệu pháp lý, mang tính 'tiền trạm' cho quan hệ đối tác," ông Wang trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Xung đột chính trị và khủng hoảng ngoại giao cũng tác động lên giá dầu. Với 60% lượng xăng dầu đến từ nguồn nhập khẩu, Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng.

Hệ quả dễ nhận thấy về kinh tế buộc Bắc Kinh quan tâm chặt chẽ vấn đề Qatar, đồng thời có các biện pháp hòa giải và ngoại giao. Ông Wang cho rằng chính phủ Trung Quốc cần cử đặc sứ phụ trách vấn đề hòa giải, trong trường hợp căng thẳng giữa Qatar và láng giềng tiếp tục leo thang.

Trung Quốc lâm vào thế bí vì phụ thuộc quá nhiều vào Qatar - Ảnh 1.

Trung Quốc chuyển dịch dần sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên thay cho than đá, xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng (Ảnh minh họa: AP)

Trung Quốc phụ thuộc lớn vào Qatar

Ông Tang Zhichao, nhà nghiên cứu tại Viện Tây Á và châu Phi, thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không cần phải chọn phe trong căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh, và tình hình chưa leo thang đến mức nghiêm trọng.

Theo ông này, vẫn còn sớm để đề cập tác động tiêu cực mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra với sáng kiến Vành đai, Con đường. Nhưng vấn đề ngay trước mắt là rủi ro về thị trường và hợp tác kinh tế, thương mại song phương.

Tang Zhichao cũng tin rằng Trung Quốc chỉ nên đóng vai trò hòa giải tích cực. Các doanh nghiệp của nước này đã được cảnh báo sẵn sàng các biện pháp đề phòng tình trạng suy thoái sâu.

Qatar cung cấp đến 35% lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà Trung Quốc nhập khẩu năm 2016. Trung Quốc hiện phụ thuộc quá mức vào khí đốt từ Qatar. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng bắt buộc Bắc Kinh phải chuyển đổi nguồn nhiên liệu và giảm dần sử dụng than đá.

Ông Tang kêu gọi chính phủ tìm kiếm ngay các nguồn cung thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Qatar và giúp Trung Quốc ứng phó được với khả năng khủng hoảng năng lượng bùng nổ.

"An ninh năng lượng [của Trung Quốc] có thể bị ảnh hưởng nếu căng thẳng leo thang nghiêm trọng [ở vùng Vịnh]. Tình hình hiện nay cho thấy khả năng xảy ra khủng hoảng về dầu không cao," ông Tang nói.

"Nhưng về lâu dài, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu cần phải được xem là hướng đi then chốt để củng cố an ninh năng lượng."

Theo Hải Võ (Trí Thức Trẻ)