Thế giới

Trung Quốc “gạ” Philippines bỏ qua phán quyết của tòa

Trung Quốc sẵn sàng khởi động đối thoại với Philippines về các vấn đề liên quan biển Đông nếu Manila gác sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế sẽ được đưa ra trong tuần tới. Nhưng giới chuyên gia tiếp tục hoài nghi về thứ mà Trung Quốc có thể mang ra thương lượng.

 
Trung Quốc sẵn sàng khởi động đối thoại với Philippines về các vấn đề liên quan biển Đông nếu Manila gác sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế sẽ được đưa ra trong tuần tới. Nhưng giới chuyên gia tiếp tục hoài nghi về thứ mà Trung Quốc có thể mang ra thương lượng.
 
Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Ảnh: Rappler.
 
Trung Quốc và Philippines có thể thương lượng “các vấn đề như hợp tác cùng phát triển và hợp tác trong nghiên cứu khoa học nếu chính phủ mới của Philippines gác phán quyết của tòa trọng tài sang một bên trước khi trở lại bàn đàm phán”, báo Trung Quốc China Daily hôm qua dẫn nguồn tin ngoại giao nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây tuyên bố, Trung Quốc và Philippines đã đồng ý vào năm 1995 rằng sẽ giải quyết các tranh chấp trên biển Đông “theo cách thức hữu nghị và hòa bình thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhau”. 

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước đã tham gia nhiều vòng thương lượng nhằm quản lý thỏa đáng các tranh chấp trên biển, dù không có cuộc đàm phán nào được thiết kế để giải quyết các tranh chấp thực sự trên biển Đông. Vậy, Trung Quốc mong muốn đạt được điều gì trong các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp trên biển và nước này đang sợ điều gì?

Đàm phán gì?

Bắc Kinh luôn khăng khăng nói rằng, họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên biển Đông từ “thời cổ xưa”. Đàm phán là nghệ thuật tìm ra thứ này để đổi lấy cái khác. Và nếu chủ quyền của Trung Quốc là không thể tranh cãi thì Trung Quốc sẵn sàng đàm phán thứ gì? Bắc Kinh sẵn sàng từ bỏ điều gì? Nếu Trung Quốc sợ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa gia tăng, họ có thể nhượng bộ gì trên bàn đàm phán mà không gây ra phản ứng trong nước?

Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc muốn đàm phán song phương để họ có thể bắt nạt các nước khác nhỏ hơn. Trong một bài viết đăng gần đây trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat, GS David Welch ở Trường Quan hệ quốc tế Balsillie (Canada), cho rằng, sẽ thật kỳ lạ nếu Bắc Kinh nghĩ rằng Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Brunei sẵn sàng ngồi xuống bàn đàm phán chỉ để chấp nhận những điều khoản đầu hàng. Có lẽ Bắc Kinh nghĩ rằng sẽ có một số thứ có thể thương lượng được.

Một khả năng là Bắc Kinh muốn giải quyết sự mơ hồ dai dẳng trong đòi hỏi chủ quyền của họ trên biển Đông để tiến tới giải quyết tranh chấp. Bắc Kinh có thể nói, như Đài Loan từng nói, rằng cái gọi là đường 9 đoạn chỉ bao gồm những đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chứ không phải vùng biển mà Trung Quốc đòi quyền tài phán. 

Trung Quốc có thể nói, điều đó tuân thủ quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mặt tích cực của sự nhượng bộ này đối với các nước liên quan khác sẽ là việc dọn đường cho quá trình phân định đúng trật tự các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. 

Mặt tiêu cực đối với các nước liên quan khác sẽ là, nếu Trung Quốc không thực sự thừa nhận họ không có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì việc làm sáng tỏ đường 9 đoạn cũng chẳng có ý nghĩa gì. Trung Quốc sẽ vẫn đòi hỏi quyền tài phán trên biển đối với gần hết biển Đông.

Có khả năng Bắc Kinh nghĩ rằng các nước liên quan sẽ sẵn sàng chấp nhận thứ gì đó mang tính biểu tượng để đạt được lợi ích vật chất. Một dấu hiệu cho thấy điều này là Bắc Kinh thường đề xuất “cùng phát triển” các tài nguyên thiên nhiên trên biển Đông.

Bắc Kinh có thể nghĩ rằng các nước liên quan khác sẵn sàng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp để đổi lấy việc khai thác các ngư trường và tài nguyên dầu khí. 

Chắc chắn đây là một kết quả hấp dẫn đối với lãnh đạo Trung Quốc vì khi đó họ có thể nói với trong nước rằng, họ vừa giữ được “chủ quyền” vừa thể hiện “sự nhân từ của người cha” đối với những nước láng giềng nhỏ và yếu hơn.

Theo GS Welch, nếu đó là những điều Bắc Kinh định làm, chúng sẽ nói lên ít nhất ba điều quan trọng và thú vị. 

Thứ nhất, đối với Trung Quốc, tranh chấp trên biển Đông về cơ bản chỉ có ý nghĩa biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. 

Thứ hai, các lãnh đạo Trung Quốc không tin những nước liên quan cũng quan tâm đến biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín. 

Thứ ba, các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, những nước liên quan có thể tin cậy Trung Quốc sẽ chia sẻ tài nguyên trên biển Đông. Sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng, chỉ có người Trung Quốc quan tâm đến biểu tượng, sự tôn trọng và uy tín, còn các nước khác thì không. 

Chưa nói đến thực tế rằng, các nước láng giềng của Trung Quốc đã sợ, bực bội và phản kháng “lòng nhân từ của người cha” suốt hàng ngàn năm qua thì những hành động gần đây của Trung Quốc khiến các nước láng giềng khó có thể tin họ, không chỉ về vấn đề biển Đông mà còn nhiều vấn đề khác, GS Welch nhận xét.

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố hôm 4/7 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông báo sẽ tập trận trên biển Đông.

Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 3/7, phía Trung Quốc sẽ tập trận từ ngày 5 đến 11/7 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. “Hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”, ông Bình nói.

Theo T.Quỳnh (Tiền Phong)