Thế giới

Trung Quốc: Đề phòng bắt cóc, phụ huynh buộc dây vào người con

Trước nạn bắt cóc trẻ em tràn lan ở Trung Quốc, một số phụ huynh tự phòng vệ bằng cách trang bị cho con quần áo, giày, đồng hồ có hệ thống định vị. Thậm chí có phụ huynh còn cẩn thận cột dây vào người con khi dẫn chúng ra ngoài.

Trước nạn bắt cóc trẻ em tràn lan ở Trung Quốc, một số phụ huynh tự phòng vệ bằng cách trang bị cho con quần áo, giày, đồng hồ có hệ thống định vị. Thậm chí có phụ huynh còn cẩn thận cột dây vào người con khi dẫn chúng ra ngoài.

Một người mẹ cột dây vào con khi dẫn đi trên phố - Ảnh chụp màn hình Thời báo Hoàn cầu


Những đứa trẻ không trở về

Thảm kịch bé trai Vương Chí Cường (13 tuổi) mất tích hồi tháng 10.2014 đã thu hút sự chú ý dư luận Trung Quốc về vấn đề trẻ em mất tích, theo Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc). Cường mất tích gần nhà ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào ngày 2.10.2014. Cảnh sát phát hiện cậu bé một ngày sau đó, nhưng lại không báo cho cha của đứa bé. Sáu tháng sau đó, cậu bé chết vì suy dinh dưỡng, theo Tân Hoa xã.

Chính quyền thành phố đã tiến hành một cuộc điều tra và đầu tháng 6.2015 đã trừng phạt tổng cộng 18 người, bao gồm cảnh sát viên và nhân viên tại trại trẻ cơ nhỡ, nơi bé Vương được đưa đến, cùng bác sĩ một số bệnh viện đã tắc trách không chăm sóc và không báo tin cho gia đình.

Cuộc điều tra phát hiện sở cảnh sát đã không cập nhật thông tin sau khi nhận được tin báo mất tích từ cha mẹ của Cường, không chuyển thông báo kết quả kiểm nghiệm ADN để đối chiếu thông tin và tìm kiếm cha mẹ đứa bé.
 
Một nông dân họ Vương ôm chặt đứa con trai của ông, sau khi cậu bé được cứu thoát khỏi bọn buôn người - Ảnh: Reuters

Bà Zhang Baoyan, người đứng đầu baobeihuijia.com, trang mạng chuyên về tìm kiếm trẻ mất tích ở Trung Quốc, cho biết họ nhận được khoảng 1.000 tin báo trẻ mất tích hằng năm, đa số trẻ mất tích ở độ tuổi 3-6 tuổi. Phân nửa số này bị nghi bắt cóc, bà Zhang cho biết thêm.

“Có ba tình huống trẻ em mất tích: bị bắt cóc, lạc đường và chết vì tai nạn, thi thể không thể tìm thấy”, bà Zhang cho hay.

Theo bà Zhang, đa số trường hợp trẻ em mất tích khi gần nhà và bọn bắt cóc buôn người tránh xa khu vực công cộng có nhiều camera an ninh.

Một người phát ngôn họ Fan của trang cnxr.net, chuyên về tìm kiếm trẻ mất tích ở Trung Quốc, cho hay đa số những vụ trẻ em mất tích ở Trung Quốc là bị bắt cóc. “Những trẻ em lớn hơn 6 tuổi bị bắt cóc sẽ bị bọn buôn người ép đi trộm cắp hoặc ăn xin”, ông Fan nói. Ông  đưa ra một ví dụ là trường hợp bé trai 12 tuổi ở miền bắc Trung Quốc bị bắt cóc và bị ép đi ăn xin hơn một năm, sau đó được giải cứu.

“Cha mẹ cho bé trai 5 nhân dân tệ (khoảng 18.000 đồng) để mua bánh kẹo ở cửa hàng gần nhà, và cậu bé không bao giờ trở về nhà”, ông Fan nói. Các tình nguyện viên đã phát hiện bé trai bị bệnh nặng cùng với những vết bầm và vết sẹo trên người khi đang ăn xin trên đường phố.

Cột dây vào người trẻ khi dắt chúng ra ngoài
 
Một bé gái chơi với gia đình tại công viên ở Trung Quốc.

Trước thực trạng trẻ em bị bắt cóc đáng báo động, các bậc cha mẹ hoang mang và áp dụng đủ biện pháp để bảo vệ con mình trước những kẻ buôn người. Nhiều phụ huynh Trung Quốc cột dây vào người trẻ khi dắt chúng đi ra ngoài. Một số khác khác trang bị đồng hồ, giày, áo khoác có gắn chíp và hệ thống định vị GPS cho con mình, theo Hoàn cầu Thời báo.

Ngoài ra, một trung tâm mua sắm ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô vào ngày 1.6 đã triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo. Ở mỗi tầng, Deji Plaza lắp đặt một thiết bị liên lạc gần thang máy. Nếu phát hiện con đi lạc, cha mẹ có thể chạy ngay đến nói vào thiết bị mô tả nhân dạng, tuổi tác, tên con; và lập tức các cửa của trung tâm mua sắm này sẽ đóng lại để nhân viên bảo vệ tìm kiếm đứa trẻ.

“Lực lượng bảo vệ sẽ tìm kiếm tất cả khu vực mua sắm bao gồm nhà vệ sinh và bãi đỗ xe. Trong vòng 10 phút vẫn chưa tìm thấy sẽ bàn giao vụ việc cho cảnh sát”, ông Jiang Ziren, giám đốc truyền thông của Deji Plaza cho biết.

Hồi tháng 5.2015, tổ chức phát triển xã hội Zhongshe (Trung Quốc) đã ra mắt một ứng dụng điện thoại hoạt động tương tự hệ thống cảnh báo Amber Alert ở Mỹ. Ứng dụng này giúp các bậc cha mẹ gọi cho cảnh sát ngay lập tức và thông báo với những người dùng khác về đứa trẻ mất tích.

Bà Tong Xiaozun, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Một phần không kém quan trọng là phải dạy cho con trẻ nhớ tên cha mẹ, số điện thoại và dạy chúng không được đi theo người lạ. Tất cả những thiết bị điện tử đeo trên người trẻ có thể giúp ngăn chặn trẻ mất tích, nhưng chúng có thể trở nên vô nghĩa một khi bọn buôn người muốn bắt cóc trẻ em”.
 
Theo Phúc Duy (Thanh Niên Online)