Thế giới

Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa: Hành động phi nghĩa

Hành động cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19-1-1974 được xem như một cuộc xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc, bị cộng đồng quốc tế lên án.

Nhìn xuyên suốt lịch sử, đặc biệt là từ thế kỷ XVII, các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã chiếm hữu, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa khi 2 quần đảo này chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào.

Nhăm nhe quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

Trung Quốc bắt đầu chú ý đến quần đảo Hoàng Sa từ năm 1909. Từ đó cho đến năm 1945, chính quyền Trung Quốc nhiều lần ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nhưng bị chính quyền Pháp ở Đông Dương phản đối.

Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa: Hành động phi nghĩa
Triển lãm những chứng cứ lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại TP Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN

Đầu năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc đã cho quân chiếm đóng trái phép đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Chính phủ Pháp đã phản đối hành động này của phía Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1950, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến, lực lượng Trung Hoa Dân Quốc rút quân toàn bộ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Năm 1950, chính phủ Pháp cũng đã bàn giao việc quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại - một chính quyền bù nhìn được người Pháp thành lập vào năm 1949.

Hiệp định Genève ký kết ngày 21-7-1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định Genèva cũng công nhận ở Việt Nam có 2 chính quyền (không phải 2 quốc gia/nhà nước độc lập), trong đó chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý vùng miền Bắc Việt Nam, chính quyền Quốc gia Việt Nam quản lý vùng miền Nam Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Hiệp định cũng quy định 2 năm sau ngày ký, một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành để thống nhất nước. Như vậy, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở phía Nam vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của chính quyền Quốc gia Việt Nam.

Tháng 10-1955, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam Việt Nam, gạt Bảo Đại và lên làm Quốc trưởng, sau đó thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam. Năm 1956, quân Pháp rút hết khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho quân ra tiếp quản và trực tiếp quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều nước phản đối

Sau khi thành lập (1949), nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không kiểm soát được nhiều vùng biển trên biển Đông, trong khi chính quyền Tưởng Giới Thạch được Mỹ hỗ trợ lại quản lý được nhiều vùng biển quan trọng hơn.

Năm 1951, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng bị nhiều quốc gia phản đối. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng và chiếm đóng các vùng biển đảo của Việt Nam. Năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp rút đi, quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa kịp ra tiếp quản, Trung Quốc đã bí mật cho quân ra chiếm đóng trái phép một số nhóm đảo ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau đó đã nhanh chóng đưa quân ra đóng giữ các nhóm đảo còn lại trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời phản đối hành động xâm chiếm trái phép của phía Trung Quốc. Tình hình này được duy trì cho đến đầu thập niên 1970.

Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Nixon ở Trung Quốc (1972), Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng việc chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa đang do phía Việt Nam Cộng hòa quản lý. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu chiến đổ bộ cưỡng chiếm các nhóm đảo thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa tổ chức đánh trả nhưng do chênh lệch lực lượng nên buộc phải rút lui.

Ngay sau khi Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối hành động xâm lược này. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng gửi Công hàm cho Liên Hiệp Quốc để tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Cùng thời điểm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dự định tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm lấy lại quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Mỹ đã can thiệp buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải từ bỏ kế hoạch này.

Hành động cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc được xem như một cuộc xâm lược phi nghĩa đã bị cộng đồng quốc tế lên án, nhân dân nhiều nước trên thế giới đã phản đối mạnh mẽ. 

Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Sau năm 1974, Trung Quốc bất chấp dư luận quốc tế đã tiến hành xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng và phạm vi chiếm đóng rộng ra biển Đông. Từ tháng 7-2012, Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng sân bay quân sự, cùng các cơ sở quân sự, trang thiết bị hỗ trợ quân sự trên đảo Phú Lâm.

Từ năm 2016, các chiến đấu cơ J-11 và tiêm kích bom JH-7 đã xuất hiện ở sân bay trên đảo Phú Lâm. Đầu năm 2018, Trung Quốc cũng đẩy mạnh quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa với việc triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không ở đây. Có thể nói, những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, coi thường luật pháp quốc tế, bất chấp sự phản đối của dư luận. Trong những năm gần đây, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, đã thể hiện rõ sự phản ứng quyết liệt trước những hành động của Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông, trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động quân sự hóa trái phép trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam; đồng thời không làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Những hoạt động của Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đây được xem là một lợi thế quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

PGS-TS Trần Nam Tiến (Trung tâm Nghiên cứu biển Đảo - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM)

Theo Nld.com.vn