Thế giới

Trung Quốc công khai "đâm sau lưng" Putin để "ve vãn" Mỹ về Ukraine?

Trong khi phương Tây bế tắc trong việc tìm ra giải pháp đối phó hay tiếp xúc với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Ukraine, thì Trung Quốc cố gắng nhấn mạnh "tầm quan trọng" của mình.

Trong khi phương Tây bế tắc trong việc tìm ra giải pháp đối phó hay tiếp xúc với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Ukraine, thì Trung Quốc cố gắng nhấn mạnh "tầm quan trọng" của mình.


Trong khi cuộc đối đầu Nga-phương Tây về vấn đề khủng hoảng Ukraine tiếp diễn và Trung Quốc sắp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, tờ Cankaoxiaoxi mới đây bất ngờ nêu ra một giả thuyết "không tưởng".

Dẫn nguồn từ tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), Cankaoxiaoxi giả định, nếu 70 năm trước, Mỹ... không tham gia giải phóng châu Âu trong Thế chiến II, nước này có thể sẽ dành toàn bộ đầu tư về quân sự và kinh tế vào khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là... Trung Quốc.

Nói cách khác, giả thuyết này có nghĩa chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ được "đẩy lên" sớm 70 năm. Trong tình huống đó, Trung Quốc sẽ trở thành "đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là điển phạm cho mô hình tái thiết, hiện đại hóa thời hậu chiến".

Cũng theo "giả tưởng" này, Nga - hay trước đó là Liên Xô - sẽ bị "kẹp giữa" các đồng minh của Mỹ là phương Tây và... Trung Quốc, khiến họ lâm vào tình thế khó khăn hơn rất nhiều so với thực tế hiện tại.

Theo Cankaoxiaoxi, việc đặt ra giả thuyết trên chỉ nhằm chứng minh một điều rằng trong khi ứng phó với các mối đe dọa an ninh của châu Âu, Washington "không thể phớt lờ Bắc Kinh".

Tờ này nhận định, Mỹ thúc đẩy mạnh chiến lược "xoay trục châu Á" trong giai đoạn gần đây không phải bởi họ không còn chú ý đến châu Âu, mà ngược lại, tầm quan trọng của châu Âu đang rõ rệt hơn bao giờ hết.

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea về với Nga cũng như cuộc xung đột Ukraine đang là những cái cớ để Lầu Năm Góc tuyên bố "Nga tạo thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ" tại châu Âu.
 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay ông Tập Cận Bình sau cuộc họp báo chung tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh hôm 12/11/2014. Ảnh: AP.

 
Trung Quốc "gợi ý" Mỹ ký "Hiến chương Thái Bình Dương"?

Cankaoxiaoxi cho hay, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga đang có hiệu quả, tuy nhiên điều này khó "cứu" được Ukraine nếu không có các hỗ trợ đi kèm của Mỹ về chính trị và kinh tế, cụ thể là thông qua NATO.

Tuy nhiên, việc Ukraine nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh quân sự này không nhận được thái độ tích cực từ các thành viên cốt lõi như Đức, Pháp... và ngay cả chính Mỹ cũng không có động thái đáng kể trong vấn đề này.

Trong khi đó, liên minh châu Âu (EU) cũng đang loay hoay tìm cách trợ giúp và níu kéo một thành viên của họ là Hy Lạp không rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn nước Anh đang khăng khăng đòi rút khỏi EU vào năm 2016.

EU sẵn sàng viện trợ kinh tế để vãn hồi nền kinh tế Hy Lạp, nhưng khó có khả năng làm điều tương tự với Kiev, dù nước này đối diện tình trạng thê thảm không kém Athens.

Ngay cả thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều quốc gia phương Tây nhận ra tính bất cập và tỏ ra hoài nghi về việc trừng phạt Nga, thậm chí không ít nước đã lên tiếng kêu gọi phương Tây xem xét lại, chấm dứt các biện pháp đối đầu với Nga.

Cankaoxiaoxi chỉ ra, muốn tiếp xúc với Tổng thống Nga Putin, Mỹ cần phải ký kết với Trung Quốc một "Hiến chương Thái Bình Dương" như Cựu cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski của nước này từng kiến nghị.

Văn kiện này có thể sẽ giống với "Hiến chương Đại Tây Dương" mà Mỹ ký với Anh năm 1941, xác lập "khuôn khổ quy tắc tiếp xúc cho các mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới".

Theo Cankaoxiaoxi, một hiệp ước được sự thừa nhận của Trung Quốc sẽ cho phép Washington "linh hoạt hơn tại Ukraine và Đông Âu, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới".

Tuy nhiên, vấn đề nêu ra là "liệu Bắc Kinh có chấp nhận 'bắt tay' Mỹ mà bỏ qua chiến lược 'mơ hồ' của mình hay không?".

Tờ báo Trung Quốc đánh giá, đây là một thỏa thuận không dễ dàng và Mỹ buộc phải cho Trung Quốc thấy được việc bảo đảm an ninh châu Âu "đem lại lợi ích cốt lõi lâu dài" cho nước này.
 

Trung Quốc chưa hài lòng với vị thế hiện tại trước Nga? (Ảnh minh họa: AP)

 
Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang phát triển mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, Bắc Kinh dường như bất mãn bởi Moscow vẫn phụ thuộc vào nhiều giao dịch thương mại với EU, trong khi việc "tỏ thiện chí" về kinh tế đối với Trung Quốc chỉ được cho là một hành động ứng biến "khi bị trừng phạt" của Nga.

Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc vẫn xem quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung chưa phải là "quan hệ hợp tác bình đẳng", khi nước này không thực sự được Nga "đặt nặng" như kỳ vọng.

Trong suốt hơn 1 năm diễn ra cuộc khủng hoảng Ukraine và có thể trong tương lai, Bắc Kinh sẽ càng nghiêng về thái độ bàng quan và "ngư ông đắc lợi" từ những biến động chính trị ở châu Âu.

Logic của Bắc Kinh là, nếu Washington "bận" đối phó với Nga về vấn đề Ukraine, thì Trung Quốc sẽ được "rảnh tay" để bành trướng ở châu Á như những gì nước này đang hung hăng thực hiện.
 
>> Trung Quốc gửi "thư khiếu nại" tới chính phủ Mỹ
>> Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ trên biển Đông?

Theo Hải Võ (Đại Lộ)