Thế giới

Trung Quốc chạy đua công nghệ chống UAV và vũ khí laser đối phó với Mỹ

Bắc Kinh gia nhập cuộc đua công nghệ chống máy bay không người lái và vũ khí laser nhằm đối phó với Mỹ cũng như cải thiện năng lực của quân đội Trung Quốc.

Vũ khí laser và các hệ thống chống máy bay không người lái hiện được Bắc Kinh chú trọng phát triển nhằm bắt kịp với công nghệ UAV của Mỹ, cũng như gia tăng năng lực tình báo và khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc.

Công nghệ UAV của Trung Quốc tiến nhanh

Để bảo vệ các thiết bị bay không người lái trước vũ khí laser và đối phó với công nghệ làm sai lệch thông tin số mà các thiết bị bay thu thập, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống có tên Silent Hunter, một loại vũ khí laser chống UAV di động. Silent Hunter có tầm bắn lên tới 4 km, vừa được ra mắt tại triển lãm quốc phòng Abu Dhabi hồi tháng 2.

Poly Technologies, tập đoàn phát triển Silent Hunter, cho biết vũ khí này có thể bắn xuyên 5 lớp thép tấm dày 2 mm ở khoảng cách 800 m, hoặc một lớp thép tấm dày 5 mm từ khoảng cách 1 km.

Trung Quốc chạy đua công nghệ chống UAV và vũ khí laser đối phó với Mỹ
Hệ thống Silence Hunter của Trung Quốc. Ảnh: Indiadefense.

Các nhà phân tích cho biêt Trung Quốc đang tiến nhanh về công nghệ laser và thiết bị bay không người lái. Nhiều tập đoàn và viện nghiên cứu lớn đã tham gia vào cuộc đua nghiên cứu công nghệ chống thiết bị bay không người lái, trong đó có Tập đoàn Nguyên tử quốc gia Trung Quốc, Novasky và Viện Công nghệ Bắc Kinh.

Theo Kelvin Wong, chuyên gia công nghệ vũ trụ từ IHS Markit, nhiều hệ thống mới có thể chưa được Trung Quốc công bố và biểu diễn. "Tôi tin rằng có rất nhiều công ty quốc doanh cũng như tư nhân và các viện nghiên cứu đã tham gia vào thị trường thiết bị bay không người lái, chỉ là họ không công bố".

Arthur Holland Michel, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu thiết bị bay không người lái thuộc Đại học Bard, Mỹ, đánh giá những công ty tham gia cuộc chạy đua công nghệ đều có thể bất ngờ mang lại một đột phá trong phát triển hệ thống chống UAV.

"Chúng ta đang nói về một lĩnh vực công nghệ đang phát triển, ngay cả một start-up nhỏ cũng có thể đưa ra giải pháp thiên tài, giống như DJI từng làm vài năm trước và thâu tóm thị trường máy bay không người lái", ông Michel nói.

DJI là một start-up của người Trung Quốc, trụ sở tại Thâm Quyến. DJI sản xuất thiết bị bay thương mại dùng trong chụp ảnh và quay video. DJI cũng thiết kế và sản xuất các hệ thống điều khiển và hỗ trợ bay cho các UAV. Công ty này hiện nắm 70% thị phần toàn cầu về máy bay không người lái dân dụng.

Mỹ vẫn chiếm ưu thế

Các chuyên gia cho rằng các hệ thống chống máy bay không người lái của Mỹ hiện vẫn tiên tiến hơn nhiều so với Trung Quốc. Chúng có tầm bắn lớn hơn, với nhiều loại công nghệ cảm biến, được phát triển bởi nhiều công ty hơn.

Mỹ hiện có hơn 60 hệ thống chống UAV hoặc các sản phẩm sử dụng radar, sóng radio, phát hiện và theo dõi điện tử - âm thanh, để ngăn chặn hay thậm chí tiêu diệt thiết bị bay của đối phương. Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thiết bị bay không người lái, các hệ thống của Mỹ có thể can thiệp vào kết nối thông tin liên lạc của đối phương hoặc phá hủy UAV bằng laser hoặc đạn.

Trung Quốc chạy đua công nghệ chống UAV và vũ khí laser đối phó với Mỹ - 1
Mỹ hiện vẫn vượt trội về công nghệ UAV và vũ khí laser. Ảnh: NBC News.

Mới đây, Lockheed Martin cho ra mắt hệ thống phòng thủ chống UAE sử dụng vi sóng năng lượng cao. Đây là loại vũ khí laser có thể được lắp trên máy bay chiến đấu, vì vậy có khả năng tấn công hiệu quả hơn các loại thiết bị cầm tay hoặc gắn trên mặt đất. Quân đội Mỹ cho biết đã lên kế hoạch mua thiết bị này từ Lockheed Martin.

Brett Velicovich, chuyên gia về UAV, cho biết thiết bị bay không người lái là ngành công nghiệp đang có những bước phát triển nhanh chóng. Không hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có hiệu quả tuyệt đối nhằm chống lại mọi loại UAV trong mọi tình huống. 

"Thực tế là công nghệ UAV phát triển rất nhanh, các hệ thống chống máy bay không người lái lỗi thời gần như ngay khi chúng được đưa vào thử nghiệm", ông Velicovich cho biết.

Chuyên gia người Mỹ cho rằng cách tiếp cận tốt nhất trong lĩnh vực phòng thủ chống UAV là chiến lược kết hợp nhiều công nghệ đánh chặn. Theo Velicovich, phát hiện âm thanh, công nghệ giúp định vị thiết bị bay không người lái bằng âm thanh đặc trưng của chúng, từ đó kích hoạt hệ thống vũ khí tiêu diệt mục tiêu, là lĩnh vực khả thi cần được nghiên cứu nhiều hơn.

Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)