Thế giới

Trung Quốc bêu tên 100 nhân vật tham nhũng đào tẩu

Trong một chiến dịch chống tham nhũng mang tên ‘Lưới trời’, mới đây cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã cho đăng tải danh sách 100 nhân vật nhận hối lộ và đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Trong một chiến dịch chống tham nhũng mang tên ‘Lưới trời’, mới đây cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã cho đăng tải danh sách 100 nhân vật nhận hối lộ và đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Các mục tiêu mà chiến dịch Lưới trời của Bắc Kinh nhắm tới bao gồm 5 người đang sống tại Hong Kong, nhưng tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, việc dẫn độ sẽ không dễ dàng.

Bản danh sách đã được nộp cho Interpol và kêu gọi cung cấp thông tin về vị trí cũng như bắt giữ từng người bị truy nã, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên Interpol dẫn độ những người có tên trong danh sách.
 

Tuy nhiên, các chuyên gia luật quốc tế cảnh báo về các quy trình pháp lý phức tạp do thiếu các thỏa thuận về dẫn độ giữa Trung Quốc và những quốc gia mà những người bị truy nã đang ẩn náu.

Bản danh sách của Ủy ban Kỷ luật Trung ương có đầy đủ chi tiết hơn của Interpol, bao gồm ảnh của từng người bị truy nã, giới tính, chức vụ từng nắm giữ, số thẻ căn cước, chi tiết trên hộ chiếu, ngày xuất cảnh và quốc gia được cho là nơi họ đang sinh sống, cùng với các tội danh bị cáo buộc.

Cơ quan này cho biết thêm là bản danh sách này chỉ là phần rất nhỏ trong chiến dịch ‘truy lùng’ trên toàn cầu.

Một trong những người bị truy nã là Cheng Muyang, từng giữ chức quản lý của công ty quảng cáo ở Bắc Kinh và giám đốc một công ty ở Hong Kong với thẻ căn cước cố định ở Hong Kong. Ông đã sang Canada vào tháng 8/2000. Ông Cheng được cho là con trai của cố Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc, Cheng Weigao.

40 người trong danh sách bỏ trốn sang Mỹ, 26 người sang Canada và 5 người sang Hong Kong, số còn lại tới New Zealand, Australia, Thái Lan và Singapore.

Gần một nửa trong số những người này từng là người đứng đầu các cơ quan chính quyền hoặc doanh nghiệp.

Trước chiến dịch ‘Lưới trời’, chiến dịch ‘Săn Cáo’ đã bắt 680 quan chức vào năm ngoái.

Giáo sư Michael Davis, một chuyên gia về luật quốc tế tại Đại học Hong Kong nhận định rằng việc công bố bản danh sách này chỉ mang thông điệp truyền thông nhiều hơn là nỗ lực tiến tới dẫn độ thật sự.

Còn nhà lập pháp Hong Kong James To Kun-sun nói rằng chính quyền Hong Kong không có cơ sở pháp lý để bắt bất kỳ ai trong danh sách này.

Nhà phân tích chính trị Zhang Ming tại Đại học Renmin cho rằng mức độ chi tiết của bản danh sách có thể mang tính răn đe cho những ai đang tính đường tháo thân.
 
>> Biệt đội săn tham quan đào tẩu ở Trung Quốc
 
Theo Lê Thu (VietNamNet)