Thế giới

Trump và Putin sẽ nói gì với nhau ở Việt Nam?

"Nếu chúng tôi sắp xếp một cuộc gặp chính thức thì ít nhất đó phải là cuộc gặp có ý nghĩa," Ngoại trưởng Rex Tillerson trả lời về khả năng tiếp xúc song phương Mỹ-Nga bên lề APEC.

Ngày 9/11, Nga và Mỹ liên tiếp "bóng gió" về khả năng một cuộc tiếp xúc tay đôi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam.

Gặp hay không gặp

Cố vấn Điện Kremlin Yury Ushakov tiết lộ với nhiều hãng tin của Nga rằng một cuộc gặp “sẽ diễn ra trong ngày 10/11” song cho biết thời gian và hình thức cụ thể vẫn đang được bàn bạc.

Người phát ngôn của Kremlin Dmitry Peskov cho hay kế hoạch cho các cuộc đối thoại chính thức vẫn đang được thảo luận, tuy nhiên nói thêm rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ có "nhiều cơ hội nói chuyện" bên lề Hội nghị APEC để “trao đổi quan điểm về những vấn đề nóng nhất trong quan hệ song phương và quốc tế”.

Trump và Putin sẽ nói gì với nhau ở Việt Nam?
Tổng thống Mỹ, Nga bắt tay trong cuộc gặp chính thức đầu tiên tại Đức hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

“Cả ông Trump và Putin đều sẽ có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, vì thế họ sẽ gặp nhau bằng cách này hay cách khác”. Về các nội dung đối thoại, “tới nay chưa có chương trình nghị sự thống nhất,” ông Peskov cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng vấn đề là liệu 2 nhà lãnh đạo có nhiều chuyện cần nói tới mức cần một cuộc gặp chính thức hay không.

“Không có thỏa thuận nào về một cuộc gặp song phương chính thức cả,” ông Tillerson trả lời Independent tại Bắc Kinh. “Câu hỏi ở đây là chúng tôi có đủ nội dung cho một cuộc gặp chính thức không. Hai bên đã liên lạc với nhau và quan điểm chung là 2 vị lãnh đạo sẽ gặp nếu có đủ các nội dung quan trọng cần bàn bạc.”

Dù vậy, ông Tillerson cho rằng sẽ không có gì làm lạ nếu lãnh đạo Nga-Mỹ có một cuộc gặp “bộc phát” khi họ tình cờ chạm mặt nhau bên lề hội nghị.

“Nhưng nếu chúng tôi sắp xếp một cuộc gặp chính thức thì ít nhất đó phải là một cuộc gặp có ý nghĩa,” ông cho biết, đề cập đến tình hình tại Syria và Ukraine.

Syria và Ukraine – Những nút thắt thường trực

Khúc mắc giữa Mỹ và Nga trong các cuộc xung đột tại Syria và miền Đông Ukraine đã tồn tại dai dẳng trong suốt nhiều năm qua.

Tại Syria, các lực lượng do Mỹ và Nga dẫn đầu đang đẩy mạnh cuộc chiến chống IS trong và 2 bên cũng thường xuyên chỉ trích nhau về việc nã súng vào đối phương. Cho đến nay, đối đầu trực diện vẫn không nổ ra nhờ vào đường dây liên lạc giữa hai bên, song đường dây nóng này cũng bị Nga đình chỉ nhiều lần vì mâu thuẫn giữa Nga-Mỹ trong vấn đề Syria.

Ngày 7/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết 2 nước đang liên lạc "dày đặc" liên quan tới tình hình ở Syria trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố trong lãnh thổ Syria “gần như đã hoàn thành”.

Trump và Putin sẽ nói gì với nhau ở Việt Nam? - 1
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ, Nga tại Syria luôn đi kèm nguy cơ bùng nổ đối đầu. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, điều này lại mở ra nguy cơ về một chương đối đầu mới liên quan tới tiến trình chính trị tại Syria khi Moscow và Washington kiên quyết lựa chọn đứng về 2 phía đối lập trong vấn đề tương lai của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.

Mới đây nhất, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Vladimir Safronkov đã lên tiếng chỉ trích trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kết luận của Ủy ban điều tra hỗn hợp LHQ về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Ông Safronkov cho rằng việc ủy ban trên kết luận chính quyền Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hồi tháng 4 tại Khan Sheikhun là "vô cùng đáng thất vọng" và cáo buộc các nước phương Tây đã tác động vào công tác điều tra.

Mỹ, Anh và Pháp trong khi đó lại hoan nghênh kết quả điều tra.

So với Syria, tình hình tại miền Đông Ukraine ôn hòa hơn mặc dù Thỏa thuận Minsk, nỗ lực thành công nhất tính tới thời điểm này của cộng đồng quốc tế, chưa đạt được đột phá. Không có giao tranh quy mô lớn nào bùng phát dù các vụ nổ súng nhỏ lẻ vẫn diễn ra hàng ngày.

Cho tới nay, Tổng thống Trump vẫn khá cẩn trọng trong các phát biểu về tình hình Ukraine. Tuy nhiên, ngày 19/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 500 triệu USD cho Ukraine trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Ông cũng chia sẻ thêm rằng Mỹ có thể cung cấp các vũ khí sát thương cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga ngay sau đó đã tuyên bố đang cân nhắc các động thái đối phó trong trường hợp Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Lôi kéo ủng hộ trong vấn đề Triều Tiên

Đối với người đứng đầu Nhà Trắng, Triều Tiên đang là mối quan tâm hàng đầu. Nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã chi phối 3 trong số 5 điểm dừng chân trong chuyến công du châu Á của ông Trump gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, ông đã kêu gọi cả Trung Quốc và Nga hành động nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. “Tôi cũng kêu gọi Nga tham gia kiềm chế tình hình hiện nay đang đứng trước nguy cơ diễn biến theo hướng thảm họa,” ông nói.

Các nỗ lực kiềm chế Triều Tiên của ông Trump cho tới nay không tập trung nhiều vào “lôi kéo” Moscow so với các láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, dù hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề này trước đó.

Trump và Putin sẽ nói gì với nhau ở Việt Nam? - 2
Sau Trung Quốc, ông Trump muốn tiếp tục lôi kéo sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi nếu 2 nguyên thủ gặp nhau trong ngày 10/11. Hôm 5/11, ông Trump cho biết ông “kỳ vọng sẽ gặp ông Putin” để thảo luận về tình hình Triều Tiên. “Chúng tôi muốn sự trợ giúp của Putin trong vấn đề Triều Tiên,” Tổng thống Mỹ nói với phóng viên trên chuyến bay tới Tokyo.

Trả lời CNN tại Tokyo, một quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên tiết lộ Triều Tiên sẽ là một “chủ đề đối thoại chính” khi 2 ông Trump và Putin gặp nhau tại Việt Nam.

“Nga có biên giới với Triều Tiên,” quan chức này cho biết. “Tôi tin rằng họ cũng rất quan tâm tới tình hình khủng hoảng hiện nay và việc Nga tham gia đóng một vai trò trong tình hình này cũng là việc rất tự nhiên.”

Bóng đen can thiệp bầu cử

So với cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức hồi tháng 7, quan hệ song phương Nga-Mỹ đã xuất hiện thêm nhiều vết căng thẳng mới.

Hồi tháng 8, ông Trump đã ký thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, một động thái mà Moscow tuyên bố là đã chấm dứt hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn. Ông Putin sau đó đã ra lệnh cho Washington cắt giảm hơn một nửa số nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán tại Nga.

Trump và Putin sẽ nói gì với nhau ở Việt Nam? - 3
Cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự bầu cử Mỹ đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm và sẽ phủ bóng đen lên cuộc gặp Trump-Putin. Ảnh: CNN.

Bất kỳ cuộc gặp nào giữa 2 nhà lãnh đạo trong tuần này cũng sẽ bị phủ bóng đen bởi cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hiện đã chuyển sang một giai đoạn mới và được cho là nguy hiểm hơn đối với chính quyền Mỹ.

Tuần trước, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã tung ra một loạt cáo buộc nhằm vào 2 cựu thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump là Paul Manafort và Rick Gates. Hai người này bị cáo buộc 12 tội danh từ rửa tiền, âm mưu chống lại nước Mỹ... và bị một thẩm phán liên bang của Mỹ áp đặt lệnh quản thúc tại gia.

Văn phòng ông cũng Mueller cho biết George Papadopolous, người gia nhập đội ngũ tranh cử của ông Trump hồi tháng 3/2016 và là cựu cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump, đã thừa nhận nói dối các đặc vụ của FBI về việc liên lạc với một số cá nhân để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Trump, khi đó là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Quốc Việt (Tri Thức Trực Tuyến)