Thế giới

Trump thắng cử, Mỹ bùng nổ các vụ quấy rối

Tờ Independent đưa tin, kể từ sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, trên khắp nước Mỹ bùng nổ hàng loạt thông tin về các vụ quấy rối, phân biệt chủng tộc, thậm chí cả bạo lực, cướp bóc.

Tờ Independent đưa tin, kể từ sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, trên khắp nước Mỹ bùng nổ hàng loạt thông tin về các vụ quấy rối, phân biệt chủng tộc, thậm chí cả bạo lực, cướp bóc.
Trump thắng cử, Mỹ bùng nổ các vụ quấy rối

Tại làng Wellsville ở bang New York, biểu tượng chữ thập ngoặc (của phát xít) được vẽ lên tường với dòng chữ “Làm cho nước Mỹ trắng trở lại”. Câu nói này gần với khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Tại Boston, một sinh viên da đen nghe thấy một bạn học da trắng nói: “Đây chính là sự trừng phạt cho họ vì tám năm của người da đen”. Barack Obama là tổng thống da màu gốc phi đầu tiên tại Mỹ, ông nắm quyền suốt 8 năm qua.

Trong khi đó, tại Washington, một giáo viên kể lại ý tưởng ‘xây bức tường’ đã được hô vang lên trong quán cà phê của nhà trường vào giờ nghỉ trưa. Các học sinh còn đồng thanh rằng: “Nếu không sinh ra tại đây (Mỹ) thì bọn bay đóng gói hành lý đi là vừa”.

Kết quả bầu cử hôm 8/11 khiến cho cộng đồng da màu và những cộng đồng khác sợ hãi. Ít nhất đã có 200 vụ việc cực đoan xảy ra liên quan tới việc ông Trump đắc cử.

“Những vụ việc này bao gồm từ chống người da màu cho tới chống phụ nữ, chống lại những người thuộc nhóm LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Có rất nhiều ví dụ về việc chống phá và gán ghép tên gọi cho các cá nhân” – nhóm giám sát các hành động cực đoan tại Mỹ cho biết.

Trump thắng cử, Mỹ bùng nổ các vụ quấy rối
Trên bức tường ghi những dòng chữ xúc phạm đạo Hồi và người Ả Rập

Nhóm này cho biết những nơi hay xảy ra các vụ việc này là trường học, với lứa tuổi học sinh từ 12. Như tại một trường học ở Maple Grove, bang Minnesota, những hình vẽ ủng hộ Trump được tìm thấy phòng vệ sinh của nhà trường.

Còn tại Colorado, các sinh viên nam đang có xu hướng nói với phụ nữ rằng giờ là lúc ‘tóm lấy’ chỗ kín của phụ nữ là việc làm hợp pháp. Đây là câu nói tục tĩu bắt nguồn từ đoạn ghi âm bị lộ của Donald Trump trong lúc ông tranh cử.

Tại Austin, Texas, một phóng viên ảnh xuất thân từ El Salvador nói rằng, chỉ 24 giờ sau kết quả bầu cử, khi ông đổ xăng, một người đàn ông khoảng 40 tuổi nói với ông rằng: “Tôi hy vọng ông nạp đủ nhiên liệu để lên đường về quê”.

Phóng viên ảnh này nói rằng ông phải rất kiềm chế mới không ‘nhảy lên và đấm vào mặt’ người đàn ông nọ.

Trump thắng cử, Mỹ bùng nổ các vụ quấy rối
Chiến dịch tranh cử lạm dụng các bài xích, kỳ thị, phân biệt chủng tộc của Trump dường như đang làm bùng nổ các vụ quấy rối và bất ổn.

Với cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ, họ đang phải đối mặt với những nguy cơ có thật.

BBC kể lại việc một nữ sinh viên đạo Hồi tại Đại học New Mexico bị tấn công như thế nào.

“Tôi đang ngồi tại thư viện trường, có một người đàn ông cao to mặc áo phông in hình Trump xuất hiện ngay sau tôi. Tôi định quay lại nhưng không thể vì có một bàn tay đặt lên đầu, tìm cách kéo khăn trùm đầu của tôi” – sinh viên này kể lại.

Trước khi bỏ đi, người đàn ông này còn nói: “Tao sẽ ngồi xuống trước khi mày ném lựu đạn vào tao”.

Những vụ việc bạo lực khác nghiêm trọng hơn đã xảy ra với một số người.

Trump thắng cử, Mỹ bùng nổ các vụ quấy rối
Trên bức tường ghi rằng người da đen và lá phiếu của họ không có giá trị

Tại San Diego, một sinh viên bị hai kẻ lạ mặt cướp xe. Trước đó, hai kẻ này đã bình luận về Donald Trump và người Hồi giáo.

Cũng trong diễn biến này, chính những người ủng hộ Donald Trump cũng đang gặp nguy hiểm.

Một bé gái ở California đã bị tấn công ở trường học, sau khi bày tỏ sự ủng hộ cho Trump.

Một người đàn ông da trắng ở Chicago gặp tai nạn giao thông, sau đó bị nhóm người da đen cướp và đánh đập. Những người qua đường chứng kiến vụ việc nghe thấy tiếng hét “Đừng có mà bỏ phiếu cho Trump”.

Tuy vậy, các báo Mỹ cảnh báo về các vụ đưa tin giả mạo về những vụ việc kiểu này. Nhiều người đã đăng các thông tin bịa đặt về các vụ quấy rối sau khi Trump đắc cử trên mạng xã hội. Các thông tin này lại lan truyền nhanh chóng và được chia sẻ nhiều lần, khiến bầu không khí trở nên căng thẳng hơn.

Theo Lê Thu (VietNamNet)