Thế giới

Trump đầy lạc quan trước cuộc gặp với Kim Jong-un

Đội 'vệ sĩ chạy bộ' của ông Kim lại gây chú ý ở Singapore

Tổng thống Mỹ lạc quan hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un sẽ có kết quả rất tốt đẹp, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tỏ ra thận trọng.

Trump đầy lạc quan trước cuộc gặp với Kim Jong-un
Phái đoàn Mỹ do Tổng thống Donald Trump dẫn đầu ăn trưa cùng các lãnh đạo Singapore do Thủ tướng Lý Hiển Long dẫn đầu tại Istana ngày 11/6. Ảnh: Straits Times.

Sau cuộc họp hôm nay giữa quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ - Triều để thu hẹp khoảng cách khác biệt về phi hạt nhân hóa, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc họp "trọng yếu và chi tiết" nhưng không nói gì về kết quả, theo Reuters

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp mặt trưa nay với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Trump tỏ ra lạc quan và tích cực.

"Chúng tôi sẽ có một hội nghị đặc biệt thú vị vào ngày mai, và tôi nghĩ sẽ đưa tới kết quả rất tốt", Trump nói. Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Singapore hôm 10/6 để tham dự hội nghị đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước từng xem nhau là kẻ thù trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

"Chúng tôi đánh giá cao sự hiếu khách, tính chuyên nghiệp và thân thiện của đất nước ngài. Ngài là một người bạn của tôi", Trump nói với Lý Hiển Long.

Kim Jong-un vẫn kín tiếng trong khách sạn được bảo vệ nghiêm ngặt St Regis, nơi ông đang lưu trú. Chưa có dấu hiệu cho thấy người em gái Kim Yo-jong đi cùng Kim tới Singapore.

Trong các cuộc đàm phán trước đó, Triều Tiên bác bỏ bất cứ giải pháp giải trừ hạt nhân đơn phương nào. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói rằng giải trừ hạt nhân toàn bán đảo, tức Bình Nhưỡng muốn Mỹ cũng phải loại bỏ "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

KCNA cũng cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là dấu hiệu của "một thời đại đã thay đổi" và "kỷ nguyên mới" trong quan hệ với Mỹ. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đưa tin hội nghị ngày 12/6 sẽ thảo luận "những quan điểm rộng lớn và sâu sắc về vấn đề thiết lập quan hệ mới Mỹ - Triều, xây dựng  cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên".

Nhiều chuyên gia về Triều Tiên vẫn hoài nghi cam kết từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của Kim Jong-un. Họ tin rằng hứa hẹn này chỉ nhằm mục đích để Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế đất nước.

Một quan chức chính quyền Trump nói trong điều kiện giấu tên rằng, phía Mỹ bước vào đàm phán với cảm giác lạc quan lẫn hoài nghi bởi lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân lâu dài của Triều Tiên. "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên bởi bất cứ kịch bản nào", quan chức nói.

Quan chức này cũng cho biết Trump và Kim sẽ tổ chức cuộc họp riêng kéo dài hai tiếng vào ngày 12/6 "để làm quen" trước khi họp với các quan chức hai bên. 

Phát biểu tại Canada hôm 9/6, Trump cho biết bất kỳ thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là "thời khắc đáng khích lệ", nhấn mạnh kết quả không chắc chắn của những gì mà ông gọi là "sứ mệnh hòa bình".

Ban đầu, Trump đặt nhiều kỳ vọng về một kết quả đột phá với Triều Tiên để loại bỏ chương trình tên lửa hạt nhân phát triển nhanh chóng đe dọa an ninh Mỹ. Tuy nhiên sau đó, tổng thống Mỹ đã giảm kỳ vọng này, rút lại đề nghị ban đầu là phi hạt nhân nhanh chóng Triều Tiên.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)