Thế giới

Trump, Clinton cạnh tranh từng lượt like trên mạng xã hội

Facebook, Twitter là công cụ đắc lực hỗ trợ cho ông Trump và bà Clinton thu hút các cử tri và cũng là mảnh đất màu mỡ để các ông lớn công nghệ gia tăng sức ảnh hưởng.

 

Facebook, Twitter là công cụ đắc lực hỗ trợ cho ông Trump và bà Clinton thu hút các cử tri và cũng là mảnh đất màu mỡ để các ông lớn công nghệ gia tăng sức ảnh hưởng.

Mạng xã hội - mảnh đất màu mỡ

Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh nhanh nhạy tình hình chính trị nước Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống đang nóng lên từng ngày, từng giờ.

Ba cuộc tranh luận đều được truyền hình trực tiếp trên các mạng xã hội hàng đầu hiện nay: Facebook, Youtube và Twitter. Chỉ cần có thiết bị kết nối Internet, người dân khắp thế giới có thể nhanh chóng nắm bắt từng chi tiết của nội dung "cuộc đấu khẩu" quyết liệt này.

"Điều này chưa từng xảy ra. Nó cho phép người xem theo dõi ở các định dạng khác nhau, dù họ đang ở đâu. Quan trọng hơn, họ có thể vừa xem vừa bình luận trực tiếp", Zeus Kerravala, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu ZK, chia sẻ.

Trump, Clinton canh tranh tung luot like tren mang xa hoi hinh anh 1
Bộ máy tranh cử của hai ứng cử viên đang ra sức chạy đua trên các mạng xã hội. Ảnh: syracuse 

"Twitter sẽ là nơi mà chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 diễn ra từng ngày từng giờ", Anthony Noto, giám đốc phụ trách tài chính của Twitter, khẳng định trong một tuyên bố.

Theo CNN, 90 phút tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên vào hôm 26/9 đã thu hút được hơn 5,7 triệu dòng trạng thái trên Twitter chỉ trong 24 giờ với dấu hashtag #DebateNight (Đêm tranh luận) hay #Debates2016 (Tranh luận 2016).

Trump chiếm ưu thế trên mạng xã hội

Theo Social Distillery, trên trang Twitter, trung bình mỗi ngày ông Trump đăng từ 7 - 11 bài viết, tài khoản này có hơn 12 triệu lượt theo dõi. Ông không chuộng chia sẻ các hình ảnh và thường dùng các dấu hashtag #TrumpPence, #MakeAmericaGreatAgain (Hồi sinh nước Mỹ), #CrookedHillary (Hillary xảo quyệt). Chủ đề tập trung vào đề cao bản thân và các chiến dịch tranh cử.

Trong khi đó, trang Twitter Hillary Clinton chỉ có gần 9,5 triệu người theo dõi. Cựu ngoại trưởng Mỹ không có thói quen sử dụng các dấu hashtag, thường chia sẻ về bản thân, các chính sách của chính phủ và sự kiện đang diễn ra. Theo các chuyên gia, đây là một phần của chiến dịch truyền thông kỹ thuật số, các nội dung đều được lên kế hoạch từ trước và kiểm duyệt bởi bộ máy tranh cử.

Bên cạnh đó, cả ông Trump và bà Clinton đều tận dụng "mảnh đất màu mỡ" Facebook để thực hiện các chiến dịch truyền thông. Trang Fanpage tranh cử chính thức của bà Clinton có hơn 6,7 triệu lượt thích và gần 10.000 lượt chia sẻ, quan tâm. Trong khi đó, con số này với trang Facebook cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vượt trội hơn hẳn, khoảng 11 triệu lượt thích.

Hơn nữa, mạng xã hội còn là "chiến trường" thực sự giữa hai ứng cử viên, khi họ có thể thoải mái chia sẻ quan điểm của mình một cách gần gũi hơn so với việc trả lời phỏng vấn báo chí. 

Ngày 30/9, ông Trump viết trên Twitter rằng cựu hoa hậu Alicia Machado từng đóng phim sex. Sự việc này tạo nên làn sóng mạnh mẽ, 2 phe - ông Trump - bà Clinton cùng cựu hoa hậu Hoàn vũ, liên tục có những bài viết công kích nhau trên khắp các mặt trận, từ mạng xã hội cho tới các mặt báo.

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ có thể đang dẫn đầu song không thể phủ nhận ông trùm bất động sản đang giành nhiều ưu thế trong cuộc đua mạng xã hội.

Khi các ông lớn nhập cuộc đua

Giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn so găng quyết liệt, các "ông lớn" công nghệ cũng không bỏ lỡ cơ hội nhằm gia tăng sức ảnh hưởng cũng như thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Một ngày sau cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình, các trang mạng lớn của Mỹ cùng nhau kêu gọi công dân Mỹ đăng ký bỏ phiếu và ra đường bầu cử vào ngày 8/11 tới.

Mở màn cho chiến dịch này, Google hướng dẫn người sử dụng cách đăng ký bỏ phiếu ngay trên biểu tượng thương hiệu của trang công cụ tìm kiếm.

Trump, Clinton canh tranh tung luot like tren mang xa hoi hinh anh 2
Google đi đầu trong chiến dịch kêu gọi cử tri Mỹ đi đăng ký bầu cử. Ảnh: Washington Post

Ngày 23/9, Facebook đã tiến hành nhắc nhở người dùng trên 18 tuổi đăng ký tư cách cử tri thông qua dòng tin nhắn gắn đầu trang trên Newsfeed (Bảng tin). Hoạt động nhắc nhở này của Facebook bắt đầu diễn ra từ năm 2008 và ngày càng chứng minh tính hiệu quả tích cực.

Tham gia tích cực vào chiến dịch này, tên tuổi lớn Youtube gắn các dòng hashtag #voteIRL (vote in real life: bầu cử thực sự) vào các clip kêu gọi cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Mạng xã hội Twitter cũng tràn ngập dấu hashtag #iRegistered (tôi đã đăng ký) để kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu.

Hoạt động này cho thấy sự kết hợp hài hoà giữa chính trị và truyền thông, có sức ảnh hưởng lớn tới nhận thức và quan điểm của người dân về nền chính trị nói chung và cuộc bầu cử nói riêng.

Mạng xã hội như "một cái chợ"

Theo Brian Solis, chuyên gia của tập đoàn Alimeter, mạng xã hội cung cấp mọi thông tin cho người dùng, yêu cầu họ cần tỉnh táo để phân biệt thông tin nào tốt, xấu. Những người thiếu hiểu biết có thể tiếp nhận và truyền tải những thông tin lệch lạc, đây chính là mặt trái của mạng xã hội.

"Chúng ta đang sử dụng mạng xã hội để áp đặt quan điểm cá nhân của mình lên người khác và vô tình gây ra sự chia rẽ không cần thiết. Đó là tác động tâm lý của truyền thông lên xã hội", ông Solis chia sẻ.

Các chiến dịch tranh cử của bà Clinton và ông Trump ngày càng làm gia tăng sức mạnh truyền thông, gây ảnh hưởng đến với lượng cử tri mới, theo Dave Marinaccio, giám đốc điều hành công ty truyền thông tiếp thị LMO.

Tuy nhiên, trang Cio nhận định mạng xã hội hiện nay như "một cái chợ", người dùng có thể thoải mái bày tỏ ý kiến cá nhân mà không cần bận tâm đến những tác động mà quan điểm đó gây ra trên thực tế.

"Chúng ta đã trưởng thành và là những người định hướng tương lai của đất nước này. Chúng ta đang bỏ phiếu vì con em mình, nhưng những ý kiến trên mạng xã hội thật đáng lo ngại", ông Solis kêu gọi cử tri Mỹ cần thận trọng hơn với quyết định cuối cùng của mình.
 

Theo Trà My (Zing.vn)