Thế giới

Triều Tiên lại thử tên lửa: Xung đột hay cơ hội đàm phán gần hơn?

Tên lửa vừa phóng của Triều Tiên không nhằm trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ hay Nhật Bản nhưng nó là cảnh báo cho thấy Bình Nhưỡng đang hoàn thiện năng lực tấn công các nước này.

Tên lửa vừa phóng của Triều Tiên không nhằm trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ hay Nhật Bản nhưng nó là cảnh báo cho thấy Bình Nhưỡng đang hoàn thiện năng lực tấn công các nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng: "Chúng ta phải để Triều Tiên biết rằng nếu họ tiếp tục con đường này, tương lai sẽ không tươi sáng". Sau vụ thử tên lửa thứ 15 của Bình Nhưỡng, Nhật Bản đã nói rằng họ không thể chấp nhận sự khiêu khích liên tục như thế này.

Dù vậy, Mỹ và Nhật Bản đều không cố bắn rơi tên lửa của Triều Tiên. New York Times nhận định có lẽ vì họ nhận ra ngay lúc đó tên lửa không có ý định nhằm vào đất liền. 

Trieu Tien lai thu ten lua: Xung dot hay co hoi dam phan gan hon? hinh anh 1

Tin tức về vụ thử tên lửa của Triều Tiên được phát trên truyền hình Nhật Bản hôm 15/9. Ảnh: Reuters.

Đầu đạn hạt nhân 'hỗ trợ' đàm phán?

"Bộ Chỉ huy Phòng vệ Không gian Bắc Mỹ kết luận tên lửa này không gây đe dọa cho Bắc Mỹ", New York Times dẫn lời chỉ huy Dave Benham, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Họ cũng kết luận tên lửa không gây nguy hiểm cho đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Dù vậy, quãng đường bay của tên lửa đã xa hơn khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến căn cứ không quân của Mỹ tại Guam, một ám chỉ rằng Guam hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của tên lửa.

Tại Nhật Bản, báo động được phát ra trên truyền hình và qua điện thoại, yêu cầu người dân trú ẩn trong nhà hoặc dưới lòng đất. Tên lửa rơi xuống vùng biển cách đảo Hokkaido 2.200 km về phía đông.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ vẫn đang phân tích để xem tên lửa vừa phóng là loại gì. Dù vậy, nó bay xa hơn bất kỳ tên lửa nào Bình Nhưỡng từng phóng trước đó.

Vụ thử tên lửa của Triều Tiên có vẻ đã trở lời câu hỏi vẫn "lơ lửng" vài ngày qua. Đó là "Liệu các biện pháp mới trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, do Hội đồng Bảo an đồng thuận thông qua, có bị nhà lãnh đạo Kim Jong Un xem là mối đe dọa với chính quyền của ông và là lý do để đẩy nhanh chương trình hạt nhân, tên lửa hay không".

Vụ thử cũng cho thấy Triều Tiên đang ngày càng càng tiến gần mục tiêu gắn được đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa có thể bay hàng nghìn km, một viễn cảnh gây bất an cho khu vực nhiều tháng qua và đặt thêm thách thức ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức tình báo Mỹ gần đây đã nói rằng họ tin ông Kim sẽ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, họ nghi ngờ rằng Triều Tiên sẽ chỉ làm thế sau khi đạt được năng lực hạt nhân có thể vươn đến đất Mỹ. Vụ thử tên lửa hôm 15/9 là một bước tiến gần đến ngày đó.

Trieu Tien lai thu ten lua: Xung dot hay co hoi dam phan gan hon? hinh anh 2

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Lựa chọn 'hẹp' của Mỹ

New York Times cho biết các cộng sự của Tổng thống Trump nói rằng họ không loại trừ khả năng sẽ tấn công phủ đầu để chặn đứng những vụ thử tên lửa của Triều Tiền. Dù vậy, họ ý thức rằng những đòn tấn công như vậy sẽ dẫn đến trả đũa và leo thang căng thẳng, đặt hàng triệu người Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ vào vòng nguy hiểm.

Sau vụ thử tên lửa hôm 15/9, Triều Tiên tuyên bố mục tiêu của họ là đạt "cân bằng" lực lượng quân sự với Mỹ.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là thiết lập sự cân bằng lực lượng thực tế với Mỹ và khiến các lãnh đạo Mỹ không còn dám nói về phương án quân sự với Triều Tiên", hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un.

Lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng "nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục củng cố một cách thực chất năng lực tấn công quân sự" của Triều Tiên để tiến hành một "cuộc đáp trả hạt nhân mà Mỹ không thể đối phó".

Một ngày trước vụ thử tên lửa, Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương (KAPPC) tại Triều Tiên lên án "nghị quyết trừng phạt tàn ác" của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng và kêu gọi "biến lục địa Mỹ thành tro tàn và bóng tối". 

Tuyên bố của KAPPC cũng cáo buộc Tokyo "nhảy theo nhạc của Mỹ" và cảnh báo về "đòn mạnh mẽ" với Nhật, nhắc lại việc Triều Tiên đã phóng một tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản vào tháng trước.

Vào tuần tới, Tổng thống Trump dự kiến gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong tuần này, Tổng thống Trump vừa trải qua một phen tức giận khi Hội đồng Bảo an không thể thông qua các biện pháp trừng phạt nặng hơn với Triều Tiên như cắt hoàn toàn nguồn cung dầu, nguyên nhân là sự phản đối từ Trung Quốc, nhà cung cấp nhiên liệu chính cho Bình Nhưỡng.

Họ cũng không được cho phép sử dụng biện pháp quân sự, khi cần thiết, để kiểm tra tàu Triều Tiên bị nghi ngờ đang chở vũ khí và hàng cấm trên vùng biển quốc tế.

Theo P.Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)